"Tôi tên là Kovid và tôi không phải là virus".
Kovid Kapoor (31 tuổi) đến từ Bangalore, Ấn Độ đã viết trên trang Twitter cá nhân của mình dòng tweet trên vào tháng 02-2020, ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tên chính thức cho căn bệnh do virus corona gây ra: COVID-19.

Và Kovid cũng không thể ngờ rằng, anh vẫn phải tiếp tục sử dụng dòng tweet ấy khi đại dịch COVID-19 đã bắt đầu bước sang năm thứ ba, khi những việc tưởng chừng đơn giản như mua ly cà phê tại Starbucks, check in khách sạn hay xuất trình hộ chiếu tại sân bay - đã không còn giống như trước kia nữa. Nhất là khi người đàn ông này mang tên Kovid.
Trong tiếng Phạn, Kovid là một cái tên không hề xa lạ hoặc quá hiếm gặp. Từ khi đại dịch ập đến, nhiều người mang tên Kovid trở thành tâm điểm của những trò đùa hoặc thường được mang ra bàn tán. Thậm chí, không ít các anh Kovid còn lập ra hội nhóm, chia sẻ cho nhau những trải nghiệm bi hài hoặc mệt mỏi họ từng gặp phải trong cuộc sống thường ngày, liên quan đến tên gọi của mình.

Có lần, Kovid phải phì cười khi các nhân viên an ninh sân bay giữ anh lại chỉ để xem xét một cách cẩn thận hộ chiếu của anh trong chuyến đi đến Sri Lanka. Hoặc khi tra Google, anh được cho là đã gõ sai chính tả và kết quả tìm kiếm được là những tin bài liên quan đến "Covid" sẽ xuất hiện thay vì cái tên "Kovid".
Trong dịp sinh nhật tuổi 30 của Kovid, anh được bạn bè đặt cho chiếc bánh kem có đề tên lên. Thay vì là "Chúc mừng sinh nhật Kovid - 30", tiệm bánh đã ghi nhầm thành... Covid. Khổ chủ sau đó được xin lỗi và một chiếc bánh miễn phí khác được đền tặng cho "tai nạn bất đắc dĩ" ấy.
Dù vậy, Kovid không cảm thấy phiền lòng mấy khi ví "cuộc sống như một quả chanh chua" và anh quyết định coi những sự cố ấy như một chút hài hước trong đời mình, khi chắc chắn rằng, còn sống là còn gặp nhiều điều tréo ngoe nữa trong tương lai.

Không chỉ Kovid Kapoor mà một số trường hợp khác trùng tên cũng gặp vô số tình huống dở khóc dở cười chẳng kém.
Kovid Jain (28 tuổi) đến từ thành phố Indore, Ấn Độ nói với The Washington Post rằng: "Bạn bè tôi hay trêu 'Kovid đã kết hôn trong triều đại của Covid-19' và chúng tôi thường phì cười khi nhắc đến điều đó".
Cô cho biết thêm, bản thân đã sử dụng tên chồng hoặc các biệt danh khác nhằm tránh các lời chế giễu. Thông thường, cô thích được gọi là KJ hay Koko khi ghé qua các cửa hàng cà phê, tiệm ăn. Chua chát hơn, có lần Kovid nhận được tin nhắn từ người bạn của mình, từ chối lời chúc mừng năm mới từ cô, chỉ vì cái tên có phát âm trùng với... Covid.
Tuy đa phần mọi người thường chỉ có ý đùa vui, song những lời quá trớn có thể khiến "một số Kovid" cảm thấy tủi thân.

Chưa dừng ở đó, những người có tên giống với các biến thể của virus corona cũng trở thành "nạn nhân". Như nghệ sĩ Omarion, tên thật là Omari Ishmael Grandberry, đã viết lên Twitter lời trần tình: "Tôi là một nhạc sĩ và là nghệ sĩ giải trí. Tôi không phải một biến thể", khi chúc mừng người hâm mộ một năm mới hạnh phúc.
Hay trường hợp của Delta Air Lines - một hãng hàng không, đã phải lên tiếng vào mùa hè năm ngoái khi thường bị đề cập đến biến thể Delta của virus corona, nhằm tránh bị ảnh hưởng việc kinh doanh.
Đặc biệt, bia Corona của Mexico là một trong những đối tượng "bị thương" nhiều nhất và trước nhất khi COVID-19 chưa có tên gọi chính thức. Nhiều người đã đặt biệt danh cho dòng bia này là "bia virus" hay "bia virus Corona". Từ khóa về bia Corona còn từng rất thịnh hành tại một số quốc gia ở Bắc Mỹ, Tây Âu hay Nhật Bản, New Zealand... vì nhiều người cố tìm ra mối liên hệ giữa dòng bia trên và virus corona.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận