Theo NDTV Food, những gói mì ăn liền là thực phẩm đã được chế biến kỹ để có thể để được lâu dài. Chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng thấp, nhiều chất béo, calo và natri; và được tẩm màu nhân tạo, chất bảo quản, chất phụ gia và hương liệu.
Tuy nhiên, theo healthline, một số loại mì ăn liền cũng được bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Ăn mì ăn liền có thể làm tăng lượng riboflavin (một loại vitamin B) và thiamine (vitamin B1).
Ngoài ra, nhiều gói mì ăn liền cũng chứa bột ngọt và thậm chí một vài loại đã được tìm thấy có chứa chất phụ gia TBHQ để làm tăng hương vị và bảo quản lâu hơn. Ăn hững phụ gia này thường xuyên và lâu dài thì có thể dẫn đến một vài vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, đã có nhiều trường hợp rối loạn thị lực sau khi ăn phụ gia TBHQ. Nhiều nghiên cứu trên động vật trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy phụ gia này làm cho gan to, nhiễm độc thần kinh, co giật và tê liệt.
Trong một nghiên cứu về mối nguy hại về sức khỏe do mì ăn liền gây ra được thực hiện ở Nigeria được đăng trên PubMed vào năm 2017, sáu loại mì được kiểm tra trong nghiên cứu đều có chứa kim loại nặng như chì, đồng, nhôm, niken, và crôm. Việc ăn liên tục các loại mì này có thể dẫn đến nhiễm độc kim loại nặng, dẫn đến suy giảm chức năng thận và tế bào thần kinh. Mặc dù một số kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép, việc tiêu thụ chúng vẫn có thể không an toàn vì khả năng tích lũy của các chất này trong cơ thể cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một nghiên cứu dựa trên các dữ liệu của Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Hàn Quốc từ 2007-2009 cho thấy rằng ăn mì ăn liền từ hai lần trở lên một tuần có liên quan đến tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở phụ nữ nhưng không ở nam giới. Hội chứng chuyển hóa liên quan đến các tình trạng như huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mỡ thừa ở bụng và cholesterol bất thường - kết hợp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng một chất hóa học gọi là bisphenol A (BPA) thường được tìm thấy trong các thùng xốp cũng đã từng có trong một số nhãn hiệu mì ăn liền. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng BPA có thể ảnh hưởng vào các hormone của cơ thể, đặc biệt là hormone sinh dục nữ estrogen.
Theo World Today News, phụ nữ đang mang thai không nên ăn nhiều mì ăn liền vì có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Quá trình phát triển của thai nhi cũng bị ảnh hưởng. Mì ăn liền cũng chứa nhiều muối và khi ăn quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp trong thai kỳ dẫn đến tiền sản giật, gây tử vong cho cả mẹ và bé. Tiêu thụ quá nhiều muối cũng có thể gây đầy hơi, chóng mặt, làm bàn chân, bàn tay và mặt phù nề. Nếu phụ nữ mang thai muốn ăn mì thì không nên bỏ gói gia vị và nên cho thêm trứng, gà, nấm, cà rốt, rau và những thành phần tự nhiên khác.
Indian Parenting khuyến cáo mì ăn liền cũng không tốt cho trẻ vì vậy nên hạn chế trẻ ăn mì. Nhiều mì ăn liền thường được chiên ngập dầu để giữ được lâu hơn - do đó chúng chứa nhiều chất béo chuyển hóa từ dầu. Dầu được sử dụng phổ biến nhất để chế biến mì ăn liền là dầu cọ, chứa nhiều chất béo bão hòa. Những thứ này có thể gây béo phì cho trẻ.
Nhiều các gói gia vị trong mì ăn liền vượt quá lượng natri tiêu thụ hàng ngày cho trẻ, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gan và thận. Chúng chứa carbohydrate nhưng không phải là loại tốt, vì vậy chúng khó có thể giữ cho trẻ no bụng, khiến trẻ có thể ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân không cần thiết. Những gói rau cũ kèm theo trong mì ăn liền cũng chứa nhiều chất bảo quản ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận