Lễ hội Lửa Samhuinn, Edinburgh, Scotland
Nguồn gốc của lễ hội này có từ hơn 3.000 năm trước khi người Celt cổ quan sát thời gian trôi. Họ tin rằng các linh hồn có sự “dịch chuyển” trong giai đoạn cuối tháng 10 - năm mới theo lịch người Celtic, cũng là thời điểm đêm bắt đầu dài hơn. Hoạt động đón năm mới Celtic vẫn rất phổ biến ở Scotland và Ireland hiện nay. Trong lễ hội Lửa Samhuinn ở Scotland đêm 31/10, đường phố Edinburgh sẽ vô cùng náo nhiệt với các hoạt động trình diễn với lửa, đánh trống, nhảy múa, xiếc nhào lộn, xem bói… Đây được nhiều người cho là tiền thân của lễ Halloween.
Ngày của người chết, Oaxaca, Mexico
Dia de los Muertos, hay Ngày của người chết, được tổ chức rộng rãi ở Mexico và đã truyền cảm hứng cho bộ phim Coco của Pixar. Đây là một trong những dịp tưởng nhớ người đã khuất phổ biến nhất, và thành phố Oaxaca là nơi lý tưởng để trải nghiệm lễ hội truyền thống này. Từ ngày 31/10 đến 2/11, mọi người hoá trang, vẽ mặt kiểu bộ xương, thưởng thức bánh pan de muertos, một loại bánh mì ngọt, cùng các viên đường hình đầu lâu và những món ăn cúng tổ tiên khác. Nghĩa địa về đêm vô cùng đông đúc với rất nhiều nến, cúc vạn thọ và các nhạc công. Bộ phim Coco đậm tình cảm gia đình lấy cảm hứng trực tiếp từ ngày này.
Daimonji, Kyoto, Nhật
Lễ hội Daimonji ở Kyoto đánh dấu mùa Obon tháng 8 kết thúc, thời điểm các linh hồn rời thế giới bên kia và trở về nhà thăm người thân. Từ 8 giờ tối, năm khu vực lửa trại lớn sẽ được đốt lên trên ngọn núi Daimonji bao quanh Kyoto, tạo thành các ký tự, hình con thuyền và cổng đền trong vòng 30 phút, báo hiệu thời khắc các linh hồn từ giã người thân trên trần thế và quay về cõi âm. Tất cả đều rất lớn và có thể thấy được ở gần như mọi nơi trong thành phố Kyoto. Một số gia đình từ đời này sang đời khác có nghĩa vụ duy trì lễ hội cổ xưa này.
Gai Jatra, Nepal
Gai Jatra - Lễ hội Bò - được tổ chức ở Nepal từ tháng 8, là một lễ hội có truyền thống hàng thế kỷ để tưởng nhớ những người đã qua đời trong năm trước. Theo truyền thuyết, bò là loài vật hộ tống người đã khuất về nơi an nghỉ. Trong lễ hội, bò sẽ dẫn đầu đoàn rước đi qua nhiều nơi trong Kathmandu, tuy nhiên nếu không có bò một bé trai có thể hoá trang thay thế. Các hoạt động hoá trang, vẽ mặt, ca hát cũng là một phần của lễ hội.
Fastelavn, Đan Mạch
Fastelavn không hề xa lạ ở vùng Scandinavia, và dù nguồn gốc của lễ hội này có nhiều điểm tương đồng với Mardi Gras (ngày thứ Ba trước ngày thứ Tư Lễ Tro trong Thiên Chúa giáo), các hoạt động truyền thống lại giống với Halloween ngày nay hơn. Fastelavn thường diễn ra vào tháng 2, trẻ em hoá trang đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát, xin kẹo hay fastelavnsboller, một loại bánh ngọt nhân kem. Thùng kẹo của trẻ em thường có hình mèo đen, gợi nhớ về một truyền thống khá đẫm máu của lễ hội: cho mèo đen vào thùng và đánh tới chết để xua đuổi ma quỷ (may mắn là truyền thống này đã hoàn toàn chấm dứt từ thế kỷ 19).
Lễ Xá tội vong nhân, Trung Quốc
Lễ Xá tội vong nhân được tổ chức ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia… Kéo dài trong một tháng, lễ Xá tội vong nhân bắt đầu từ ngày 7/7 âm lịch, và trong vòng một tháng các vong linh không chỉ về thăm nhà mà còn về nhận quà. Các hoạt động của lễ Xá tội vong nhân bao gồm diễu hành, diễn tuồng mua vui cho người đã khuất, đốt giấy… Hồng Kông có khá nhiều vở tuồng cổ điển, trong khi Singapore nổi tiếng với những đêm nhạc hiện đại.
Walpurgis Night, Thale, Đức
Lễ hội Walpurgis Nacht (Đêm phù thuỷ) trong tôn giáo Pagan diễn ra vào đêm 30/4 vẫn khá phổ biến ở châu Âu và vùng and Scandinavia. Các truyền thuyết xa xưa tin rằng vào ngày này, tất cả phù thuỷ sẽ cưỡi chổi bay đến núi Brocken để tụ tập quanh một đống lửa lớn và ăn mừng mùa đông đã qua. Ngày nay, lễ hội này là một sinh hoạt náo nhiệt dành cho cả gia đình, mọi người hoá trang thành ma quỷ và phù thuỷ, diễu hành và đốt lửa.
Pchum Ben, Campuchia
Pchum Ben là một lễ hội tín ngưỡng kéo dài 15 ngày trong tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ tổ tiên. Trong dịp này, mọi người tin rằng các vong hồn sẽ trở lại trần thế. Các gia đình thắp nến, cúng thức ăn cho tổ tiên, tụ tập ăn uống cùng người thân và tham gia đua trâu. Trong đêm cuối của lễ hội, các nhà sư sẽ đọc kinh suốt đêm, báo hiệu cổng vào cõi âm đã mở và tiễn đưa các vong hồn quay về.
(Tổng hợp nhiều nguồn)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận