Sức khỏe

'Nguyệt san' không phải chuyện nhỏ!

BS TỊT TUỐT

Đăng lúc 10:57 | 09/09/2024

Theo thống kê của các bác sĩ phụ khoa, khoảng 90% phụ nữ từ dậy thì đến mãn kinh bị viêm nhiễm phụ khoa ít nhất một lần trong đời, mà nguyên nhân chủ yếu có dính đến 'nguyệt san'!

Nguyên nhân gây viêm nhiễm hết sức "trời ơi", là do vệ sinh kinh nguyệt không đúng. Ở ta, ngoài vùng sâu vùng xa chưa có nước sạch, thì yếu tố quan trọng dẫn đến viêm nhiễm phải kể đến là: Rất nhiều chị em chưa hiểu rõ dùng thứ gì an toàn cho mình, khi "đến tháng".

Hàng "cổ điển": Băng vệ sinh

Là sản phẩm thấm hút đã quen thuộc với chị em phụ nữ. Ở Mỹ, băng vệ sinh được coi là một thiết bị y tế, bảo đảm phải hiệu quả (thấm hút tốt) và không bị nhiễm khuẩn.

Nếu bạn dùng băng vệ sinh kéo dài quá bốn tiếng, sẽ làm tăng độ ẩm vùng kín, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển ở đây và bốc mùi! Vi khuẩn đến đây "họp lớp", chúng nhảy múa, khiến bạn ngứa ngáy, khó chịu. Có bạn gái còn "gan dạ" giữ một miếng băng vệ sinh suốt tám giờ đồng hồ, thì cộng đồng vi khuẩn sẽ vui mừng, tổ chức luôn bữa tiệc ma cà rồng trong nội y của bạn!

Tampon "năng động"!

Là sản phẩm có khả năng thấm hút cao, được sản xuất dưới dạng hình trụ, để đưa hẳn vào trong âm đạo. Khi sử dụng, chị em ta sẽ thấy không bị cộm, không sợ tràn máu kinh ra quần, đi đứng tự nhiên, có thể đi bơi... Một sợi dây gắn vào hình trụ, sẽ dễ dàng giúp bạn lấy tampon ra và bỏ đi. Thế là xong.

Tuy nhiên, hãy nghe ý kiến của chuyên gia phụ khoa nói về tampon như sau: "Bất kỳ loại tampon nào cũng có tính mài mòn và có thể tạo ra những vết rách nhỏ trên thành âm đạo, làm tăng khả năng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Hơn nữa, do các thành phần hấp thụ tổng hợp của nó, vi khuẩn Staphylococcus aureus sẽ dễ phát triển và có thể dẫn đến hội chứng sốc nhiễm độc (TSS). Đây là một tình trạng hiếm gặp, nhưng cực kỳ nguy hiểm và đôi khi gây tử vong. Các triệu chứng TSS có thể bao gồm tăng nhiệt độ, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt hoặc phát ban giống như bị cháy nắng...". Chưa kể nhiều bạn chọn tampon có khả năng thấm hút cao, có thể hút hoàn toàn dịch âm đạo, dễ gây rát, khô âm đạo!

Cốc nguyệt san "thân thiện"!

Được phát minh từ thế kỷ thứ 17 theo nguyên lý "nước chảy thì ta hứng". So với băng vệ sinh và tampon, thì cốc nguyệt san chứa được khối lượng tới >30ml, trong khi băng vệ sinh chỉ thấm được 10ml. Cốc nguyệt san được sản xuất từ vật liệu mềm như cao su hay silicon, dễ đưa sâu vào âm đạo để hứng máu kinh và cũng dễ lấy ra. Cốc nguyệt san được tái sử dụng, nên thân thiện với môi trường. Nhiều chị em trí thức ở nước ta rất hào hứng với dụng cụ nguyệt san này.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ cũng cảnh báo những tác dụng phụ, khi bạn sử dụng cốc nguyệt san. Đó là:

- Chúng có thể khó chèn vào hoặc tháo ra: Bạn có thể không bóp đúng nếp gấp khi đặt cốc nguyệt san vào. Hoặc gặp khó khăn khi kẹp chặt đế để kéo cốc ra ngoài. Với những thao tác này, nếu không thành thạo, sẽ gây chấn thương và rò rỉ máu kinh ra ngoài.

- Khó tìm thấy kích cỡ phù hợp: Cốc nguyệt san không thể vừa vặn cho tất cả mọi người, vì vậy bạn khó tìm được chiếc cốc phù hợp. Bạn có thể phải thử một vài nhãn hiệu, trước khi tìm được loại hoàn hảo cho vùng kín của mình. Nếu bạn chọn một cốc nguyệt san lớn hơn kích thước âm đạo, sẽ gây tức vùng bụng dưới và kích ứng bàng quang, khiến bạn đi tiểu nhiều lần.

- Có thể bị dị ứng với vật liệu làm cốc: Hầu hết cốc nguyệt san được làm từ vật liệu silicon, nên đây là lựa chọn tốt cho những người bị dị ứng với mủ cao su. Nhưng với một số người, có khả năng silicon sẽ gây ra phản ứng dị ứng.

- Có thể gây kích ứng âm đạo: Cốc nguyệt san có thể gây kích ứng âm đạo, nếu cốc không được vệ sinh và giữ gìn đúng cách. Cốc cũng có thể gây khó chịu, nếu bạn đưa cốc vào mà không có bất kỳ chất bôi trơn nào.

- Có thể tăng khả năng nhiễm trùng: Rửa cốc nguyệt san không sạch, không tiệt trùng cẩn thận sẽ gây nhiễm trùng âm đạo.

Một số chị em gặp khó khăn khi sử dụng cốc nguyệt san. Trong một số trường hợp, điều này là do sự khác biệt về cấu tạo cơ thể, hoặc do các tình trạng như co thắt âm đạo, gây đau khi cố gắng đưa vật lạ vào âm đạo.

Những người bị chấn thương âm đạo nghiêm trọng, đang nhiễm trùng, mới sinh con không nên nhét bất cứ vật lạ vào âm đạo.

Còn điều này, xin chị em cân nhắc, một nghiên cứu y học vào tháng 5-2021 công bố: "Hội chứng sốc nhiễm độc tụ cầu là một tình trạng hiếm gặp, nhưng đe dọa tính mạng. Nó xảy ra khi vi khuẩn Staphylococcus aureus xâm chiếm âm đạo, tạo ra hội chứng sốc nhiễm độc độc tố, kích hoạt hệ thống miễn dịch và dẫn đến suy đa cơ quan. Trong một số ít trường hợp, cốc nguyệt san cũng có thể dẫn đến hội chứng sốc độc tố!".

Đến tháng, sử dụng gì cho an toàn?

Đây là câu hỏi của nhiều chị em, đặc biệt là những chị có con gái mới dậy thì. Với các cháu, tốt nhất nên dùng băng vệ sinh, thay mỗi bốn giờ một lần. Các chị có gia đình, có thể sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng khi kinh ra nhiều, hoặc vì đi công tác, dự hội nghị... Còn lại, băng vệ sinh tuy hơi rườm rà chút, vậy mà an toàn hơn cả!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Sức Khỏe