Các chuyên gia tâm thần gọi đó là Chứng rối loạn tâm thần - Body Dysmorphic Disorder (BDD), và thuật ngữ selfie (chụp ảnh tự sướng) được đưa vào từ điển của Oxford (Anh) từ năm 2012.
Khi nào mắc chứng rối loạn tâm thần?
Từ khi điện thoại di động có camera thì dịch chụp ảnh “tự sướng” mới gọi là bùng phát. Họ chụp rồi đưa lên facebook, lên các trang mạng xem có bao nhiêu người “like”. Nếu like nhiều thì chả khác gì liều doping khiến bạn tiếp tục chụp và đưa lên mạng. Đến một lúc nào đó bạn cảm thấy không thể chế ngự được sự thôi thúc phải tự chụp ảnh đưa lên cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng, khi đó bạn trở thành bệnh nhân tâm thần.
Có hai đối tượng mắc chứng bệnh này:
-Một là cái “tôi” của họ quá lớn, chuyện này xảy ra với một số người đẹp luôn tự cho mình là đẹp nhất, muốn cư dân mạng thừa nhận bằng những lời khen. Chưa kể giữa các người đẹp có một cuộc cạnh tranh khá là khốc liệt. Nào khoe thân hình bốc lửa, nào khoe sự giàu sang với hàng hiệu đắt tiền khiến người khác lác mắt.
-Đối tượng thứ hai là những bạn không tự tin vào bản thân, chụp hình tránh những khiếm khuyết rồi đưa lên mạng. Nếu ai đó chê “quê một cục” thì bạn mất ăn mất ngủ, thậm chí đi cả thẩm mỹ viện rồi tiếp tục trình diện, chờ đợi “like”. Có bạn rơi vào “ám ảnh khiếm khuyết cơ thể” và luôn phụ thuộc vào cách đánh giá của trang mạng. Bạn chụp ảnh rồi chỉnh sửa đến mức trông “không giống ai”, gia đình và người quen nhìn không nhận ra là bạn nhưng chỉ cần nhiều người “like” là bạn lại cuồng si chụp ảnh.
Hậu quả nghiện chụp ảnh tự sướng
Bao giờ nghiện cũng có một quá trình: thích - đam mê - cuồng si. Đa số mọi người thích lên facebook để giao lưu, kể cả học hỏi. Mỗi ngày họ lên facebook 2 lần để xem bạn mình post gì trên đó, hoặc mình có gì mới bèn post lên để được chia sẻ.
Nếu chỉ dừng lại ở “thích” thì đây là mạng xã hội tuyệt vời. Còn đam mê là khi bạn lên mạng xã hội mỗi ngày 10 lần, 1 lần đưa hình lên, nhiều lần phải mở ra xem bao nhiêu người xem và bao nhiêu người “like”. Tiếp đến là chụp ảnh tư thế khác, đưa lên và theo dõi.
Nên biết là nhiều người bấm “like” theo thói quen. Cuồng si là suốt ngày chỉ chụp hình, thức khuya, sức khoẻ suy giảm, luôn mở máy xem phản ứng của cư dân mạng, không muốn làm gì, chuyện học hành cũng bỏ mặc luôn, nại ra một lý do để bỏ học.
Có công chức đến cơ quan chỉ chăm chăm mở máy vi tính post hình và theo dõi phản ứng của mọi người. Kết quả bị sếp nhìn thấy, phê bình thì nổi nóng hoặc buồn rầu. ở nhà suốt ngày ôm cái điện thoại hoặc ipad, bỏ bê vợ con khiến gia đình lục đục.
Những bạn trẻ post ảnh khoe nhan sắc thì trước sau gì bạn cũng sẽ rơi vào cạm bẫy của người háo sắc. Còn khoe giàu sang lại cụ thể bằng những tấm ảnh thì chả khác gì bạn dụ bọn ăn cướp tới nhà. Khi đã đam mê đến mức cuồng si bạn đích thị là con nghiện, trở thành nô lệ của những bức ảnh.
Cai nghiện
Nghiện món gì trước hết cũng phải tự nhận ra. Đầu tiên bạn thấy người thân than phiền, bạn bè có ý kiến, còn trong đầu chỉ toàn nghĩ đến những bức ảnh, không chú tâm vào chuyện học hoặc làm việc.
Nếu cha mẹ, bạn bè khuyên nên cai nghiện, bạn hãy bình tĩnh đừng nổi nóng, hãy lấy một tờ giấy liệt kê xem từ khi thích chụp hình tự sướng, bạn được gì và mất gì. Đương nhiên mất nhiều hơn được.
Tiếp đến là đổi điện thoại cùi bắp không có tính năng chụp hình và vào mạng. Bắt đầu ngày mới bằng cuộc sống năng động. Khi thấy mình khoẻ mạnh, yêu đời, không bị cám dỗ bởi “tự sướng” là bạn thắng lợi. Nếu không đủ can đảm vượt qua cám dỗ thì bạn phải gặp bác sĩ tâm thần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận