• Deadline học trò
Để không bị bẹp gí với đủ thứ quang gánh, các sĩ tử phải tìm cách giải áp, không hất khỏi vai được tất cả thì chí ít nhẹ đi đôi ba phần. Bắt đầu ngay với các deadline “tàn khốc” của giới học trò.
• Thề không bỏ sót!
Bài vở đồ sộ, chương mục vô số, không khéo điều binh, học trò sớm muộn sẽ “chết ngắt” với đống deadline. Áp lực kiểu này không chỉ phát xuất từ học hành thiếu khoa học, mà còn từ bệnh cầu toàn, già hổng bỏ nhỏ hổng chê; bởi mắc sâu tâm lý sợ né bài nào thì đề thi ra ngay bài đó...
• Chữ vô cửa trước, ra hết cửa sau
Học không vô, đầu óc mụ mị, là một kiểu áp lực khác hành hạ cánh học trò. Cái này duyên khởi không chỉ từ kiểu học nhồi nhét, tầm chương trích cú, mà còn do nạn thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, chặn đường hồi phục của cái đầu...
• Bụng không yên vì so kè
Cười mếu, còn có một sức ép làm khổ học trò đến từ bụng...so kè. Cày thâu đêm suốt sáng vẫn lo không đủ cơ đọ với đám “tỷ lệ chọi” trường chuyên lớp chọn, chạy sô luyện thi ngày đêm, thầy giỏi, sách hay hơn mình...
• “Ông ba bị” thi rớt
Đỉnh của đỉnh là bụng lo thi rớt. Trên thông thiên văn dưới tường địa lý còn khó thoát ám ảnh thi không ớt thế mà cay, nói gì đến các sĩ tử tầm tầm. “Bóng ma” thi hỏng còn khua nanh múa vuốt với loạt tác dụng ngoại ý - xấu hổ với bè bạn, xóm giềng, tương lai đóng sập, ước nguyện tiêu vong... Ngặt ở chỗ màn thở oxy rớt khỏi bảng vàng này lại nặng nề với những trò học lực giỏi, tinh hoa trường lớp, hơn cánh đồng môn cà tàng, xem “công danh như phù vân”...
• “Hòn thái sơn” phụ huynh
Không thể không kể đến sức đè tựa thái sơn mà không ít phụ huynh chất lên vai con mình. Không phải tất cả, nhưng luôn có những ông bố bà mẹ thậm chí lập “quân lệnh trạng” kiểu “thi rớt thì về mua xe chạy grab”, hay áp lực bằng bài than vãn “tiền của đổ vào không xiết mà còn thi rớt thì vứt”, hay “không bằng cấp chỉ có làm cu li thiên hạ”... Khổ nỗi, lắm khi sự chăm bẳm miếng ăn giấc ngủ, không cất lời nào, lại gây sức ép ra trò cho cục cưng, bởi tâm lý sợ phụ lòng cơm cha áo mẹ...
• Thất bại tâm lý, hỏng từ vòng gửi xe
Chịu thua mấy thứ quấy quá tinh thần, nói không quá, hòm hòm sẵn 50% thất bại cho người chọn nghiệp bút nghiên. Khủng hoảng làm khổ học trò mùa thi đã đành, đến ngày thi, ngồi vào bàn thi, cơn ngạt thở tâm lý vẫn sẽ tiếp tục trên ngòi bút của thí sinh. Run lẩy bẩy, mồ hôi như tắm, đầu óc hủ nút, bài thi râu ông cắm cằm bà, kiến thức nhừ như cháo vẫn câu được câu mất... Deadline lúc này mang bộ mặt sắc lạnh khác từ tiếng tíc tắc đồng hồ, từ cảnh đối thủ xung quanh hớn hở trúng tủ...
• Mùa thi cũng là mùa rối nhiễu tâm thần
Áp lực, deadline, hoàn toàn có thể quất sụm học trò bằng chứng rối nhiễu tâm thần hẳn hòi. Mỗi mùa lều chõng, các phòng khám tâm thần lại có dịp đón tiếp các con bệnh mang phù hiệu học trò, có cả học trò trường chuyên, với chứng mất ngủ, suy kiệt, hoang tưởng, gây gổ, buồn vui bất tử, bỏ học, "dạt vòm", thậm chí là trầm cảm... Nghiệp học hành đa phần khép lại, lắm khi tàn phế suốt đời...
• Cụ thể thì gỡ rối tâm lý mùa thi thế nào?
Làm thế nào giúp sĩ tử nhẹ gánh? Một cuộc cân não cần phối hợp giữa sĩ tử và phụ huynh. Tựu trung, với mớ lùng nhùng, chỉ có cách gỡ từng mối một. Người lớn tháo ngòi trước, đơn cử dẹp ngay màn “quân lệnh trạng”. Khó giải hơn là sức ép từ chính học trò. Ví dụ, sắp xếp bài vở khoa học, sao cho không phải “đột quỵ” vì deadline, là thứ chỉ có thể hình thành qua hàng chục năm mài đũng quần của học trò. Chúng thường dễ dàng hơn với cánh học trò khá giỏi, ngược lại sẽ là vất vả cho phần đông sĩ tử, hụt hẫng có qui trình kéo dài...
• Nhẹ bụng chữ là then chốt
Nói vậy, nhưng chỉ có cách sắp đặt chương trình học thì học trò mới thoát được áp lực đầu sỏ, rồi mới tính thanh toán tiếp các bức bách còn lại. Chỉ khi bài vở nhẹ đi, học trò mới có cơ hội chen vào các bài hay được "gà" là thư giãn, xao lãng, ngủ nghỉ, thể dục thể thao, ăn uống điều độ. Chưa gỡ được cái dằm “giờ này thiên hạ đang cày, mà mình thì chơi” thì còn khuya mới thoát trầm luân.
• Tập “xát muối” dần thất bại
Loay hoay kiểu gì rồi cũng phải đụng đầu sức ép thi rớt. Thứ ám ảnh này sẽ luôn đứng đợi ở cuối mọi ngả toan tính. Đẩy đuổi được nó chỉ mỗi cách chuẩn bị trước tinh thần cho... thất bại. Người ta khuyên học trò nên tự ám thị bằng các slogan kiểu AQ như “rớt tốt nghiệp không phải trời sập”, hay “đại học không phải là cánh cửa thành công duy nhất”....
Giải áp tâm lý mùa thi, rõ không dễ chút nào. Lần nữa, không ngoa, nếu nói tâm lý nắm 50% thành công của mọi cuộc vượt vũ môn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận