Một lời tiên tri trong manga từ năm 1999 bất ngờ "trỗi dậy", gây ra làn sóng hoang mang trong cộng đồng du khách quốc tế - đặc biệt là ở châu Á - khi tháng 7-2025 đang đến gần. Nhưng chuyện này có thực sự đáng lo, hay chỉ là một cú viral mang đậm mùi vị... anime?

Ryo Tatsuki - 'nhà tiên tri bất đắc dĩ' của manga Nhật Bản
Hãy tưởng tượng bạn vẽ một cuốn manga về những giấc mơ kỳ lạ, rồi 25 năm sau, bỗng dưng cả châu Á bàn tán về nó như thể bạn là "bà đồng thời hiện đại". Đó chính là câu chuyện của Ryo Tatsuki, tác giả cuốn manga "The Future I Saw" (tạm dịch: "Tương lai tôi đã thấy") - phát hành lần đầu vào năm 1999.
Cuốn manga tổng hợp những giấc mơ "tiên tri" mà cô tuyên bố mình đã thấy trong hơn một thập kỷ, nổi bật nhất là những hình ảnh được cho là đã "dự báo" trận đại thảm họa động đất - sóng thần Tohoku 2011.
Dường như điều này đủ để các thuyết âm mưu và cộng đồng mạng đổ xô soi từng chi tiết khác trong manga, và không may cho ngành du lịch Nhật Bản, có một trang nhắc đến một "vết nứt đáy biển vào tháng 7-2025" - kéo theo những cơn sóng thần ác mộng.

Bìa truyện The Future I Saw.
Từ tin đồn sang thực tế: Du lịch Nhật Bản "khóc cạn nước mắt"
Không chỉ là chuyện đùa trong hội nhóm fan anime nữa, "lời tiên tri tháng 7-2025" từ một manga cũ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp không khói tại Nhật.
Tại Hong Kong, các công ty lữ hành cho biết lượng khách đặt tour đến Nhật vào giữa năm 2025 giảm mạnh - tới 50% trong một số trường hợp. Các nền tảng như Xiaohongshu, TikTok và Weibo đang tràn ngập những video cảnh báo hoặc phân tích "siêu chi tiết" từng trang manga, thậm chí còn ghép cảnh mô phỏng sóng thần để... tăng độ drama.
Thái Lan, Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Á khác cũng ghi nhận hiện tượng hủy tour, thay đổi kế hoạch hoặc "tạm hoãn đi Nhật đến khi yên ổn".
Niềm tin mù quáng hay nỗi sợ có cơ sở?
Câu hỏi đặt ra là: liệu điều này có đáng để lo? Câu trả lời của giới khoa học là: không - ít nhất là với công nghệ hiện nay.
Theo Cục Khí tượng Nhật Bản, hiện không có phương pháp khoa học nào có thể dự đoán chính xác thời gian, vị trí và quy mô của một trận động đất hay sóng thần trước nhiều tháng.
Các nhà địa chấn học khẳng định việc đưa ra dự báo dựa trên... giấc mơ được vẽ thành truyện tranh là "thiếu cơ sở". Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, điều phi lý đôi khi lại lan truyền nhanh hơn cả sự thật - đặc biệt là khi nó gắn liền với yếu tố kỳ bí, văn hóa đại chúng, và… một chút cảm giác "dự đoán đúng trong quá khứ".

Nếu bạn từng nghe đến "Lời tiên tri Maya 2012", hay gần đây là những TikToker tự xưng "time traveler" khẳng định biết trước mọi sự kiện toàn cầu - thì sự việc lần này cũng đi cùng một mô típ: nỗi sợ kết hợp với trí tưởng tượng và sự khuếch đại của truyền thông.
Khác biệt là lần này, hậu quả đang hiện hữu ở quy mô tài chính - với ngành du lịch Nhật Bản đối mặt thiệt hại hàng trăm triệu đô la nếu làn sóng hủy tour tiếp tục lan rộng.
Truyện tranh không sai, nhưng đừng để nó điều khiển thực tại
Câu chuyện về Ryo Tatsuki và manga "The Future I Saw" là một ví dụ kỳ lạ về cách văn hóa đại chúng có thể tạo hiệu ứng dây chuyền trong thế giới thực. Cô họa sĩ có thể chỉ muốn chia sẻ những giấc mơ kỳ lạ, nhưng xã hội hiện đại - luôn khát khao những câu chuyện tiên tri, bí ẩn, và "ẩn số" - đã biến tác phẩm của cô thành một... báo động giả có sức công phá toàn cầu.
Khi logic bị lép vế trước cảm xúc và sức mạnh của truyền thông số, một trang truyện cũ cũng có thể làm lung lay kế hoạch nghỉ dưỡng của hàng triệu người.

Ryo Tatsuki.
Đọc manga để thư giãn là chuyện tốt. Tin manga để né thảm họa có thể... hơi xa vời. Trừ khi bạn là nhân vật chính của một isekai nào đó, hãy đặt niềm tin vào khoa học.
Ryo Tatsuki, một cựu họa sĩ truyện tranh Nhật Bản, được biết đến với những dự đoán về thảm họa được cho là chính xác, được cô ghi lại sau những giấc mơ sống động. Cô nổi tiếng với việc dự đoán trước những sự kiện như cái chết của Freddie Mercury (1991), trận động đất Kobe (1995) và trận sóng thần 2011 ở Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận