Từ lâu, chuyện học đại học hay không vốn đã là chủ đề nóng sốt ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhất là khi mùa thi tốt nghiệp gần kề. Thời gian vừa qua, liên quan đến chủ đề trên, hàng loạt cư dân mạng liên tục chia sẻ lại trên nhiều hội nhóm khác nhau, tạo nên nhiều luồng tranh luận trái chiều.
Cụ thể, chủ đề được một nhân viên văn phòng tâm sự như sau: "Cô bán hủ tiếu bán 30.000 đồng/tô. Mỗi ngày cô bán được 80 tô. Lời mỗi ngày là 800.000 đồng. Một tháng thu nhập khoảng 24 triệu. Trong khi tôi đi làm năm năm chỉ có 12 triệu. Vậy bằng đại học có giá trị gì?".
Chẳng cần chờ quá lâu, hàng trăm bình luận phân tích vô cùng chất lượng đã liên tục xuất hiện phía dưới chủ đề này.
Câu hỏi của bạn nhân viên văn phòng không phải là không có cơ sở khi mỗi năm, thông tin về hàng ngàn sinh viên thất nghiệp hay cử nhân này, thạc sĩ nọ đang đội nắng mưa để chạy xe ôm công nghệ, bán xôi hoặc làm công nhân để mưu sinh... vẫn nhan nhản các mặt báo.
Nhiều người cho rằng, đầu tư vào việc học làm gì khi cuối cùng không được "trả" xứng đáng?! Bởi nếu xét trên phương diện người vừa ra trường, có việc làm, lương khởi điểm chỉ bình quân ở mức 6 triệu đồng. Sau đó ít năm, nhờ thêm kinh nghiệm thì lương sẽ tăng ở mức 10-12 triệu đồng.
Theo lý giải của một số tài khoản, đây là cách nhìn nhận và so sánh chưa toàn diện. Nhân viên là người đi làm công ăn lương, trong khi cô bán hủ tiếu là người kinh doanh.
Với một nhân viên văn phòng, bạn chỉ cần làm việc tối thiểu tám giờ đồng hồ một ngày. Nếu cần thiết sẽ có tăng ca, được chấm thêm tiền làm ngoài giờ phụ thuộc vào công ty.
Mỗi tuần sẽ làm năm ngày, hoặc thêm nửa buổi thứ bảy. Đi làm sẽ được hưởng những chế độ cơ bản về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc những phụ phí về điện thoại, xăng cộ hay công tác phí...
Chưa dừng ở đó, công việc thuận lợi và sự đóng góp của bạn có hữu ích, thăng tiến đi kèm lương thưởng tăng trưởng là điều hiển nhiên.
Còn với cô bán hủ tiếu, để bán ra một nồi nước dùng cho 80 tô, chắc chắn cô phải dậy trước khi bán từ hai đến ba giờ tiếng, không kể thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu vào chiều, tối hôm trước.
Vì mưu sinh ở lề đường, cô bán hủ tiếu sẽ không thể nào lường được nắng mưa hay các yếu tố về chính quyền, trật tự đô thị hoặc thuế. Và trên hết, cô phải nấu ngon, có "giang" buôn bán mới tránh bị... ế, "ôm sô" đem về.
Chưa kể đến, cô bán hủ tiếu sẽ chịu sự cạnh tranh từ các cô bán bún bò, phở, cơm tấm... đủ kiểu. Đặc biệt, cô cũng không có các loại bảo hiểm đã được công ty mua cho bạn, nếu không tự bỏ tiền túi trang bị cho chính mình.
Như vậy, bản chất công việc đã khác biệt thì khó lòng đưa ra những kết quả so sánh chính xác.
Bạn Loan Nguyễn bình luận: "Không phải ra trường cũng lương thấp và chẳng phải ai bán hủ tiếu cũng kiếm được 24 triệu/tháng. Quan trọng là bạn giỏi và may mắn ra sao thôi".
"Học cao hơn nó sẽ bồi đắp cho con người ta cái tư duy logic và cái kỹ năng mềm. Tất nhiên là trừ những người ngồi trong lớp học nhưng lúc nào cũng ủ mưu đem xe bạn đi cắm. Còn ra ngoài xã hội thì phải dựa vào chính bản thân mình vận dụng cái tư duy và kỹ năng như nào, người được đào tạo bài bản cái suy nghĩ nó sẽ khác hơn", chủ tài khoản Anh Coi đưa ra nhận định.
Thực ra, một nhân viên văn phòng và cô bán hủ tiếu là vị trí của con đường mỗi người đã chọn để làm chủ cuộc sống của mình bằng việc tạo ra tài chính. Bạn vẫn có thể thay đổi con đường sẽ đi bằng lối rẽ khác, nếu cảm thấy vị trí đã chọn chưa phù hợp hoặc không còn tương thích với khả năng của bản thân vào một thời điểm nào đó.
Điều quyết định việc thành - bại ở mặt kinh tế của một người là sự tổng hoà bởi nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là sự nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội và thực hiện theo khả năng tốt nhất của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận