Nhìn chung túi mật thường bị “át vía” so với lá gan, thế nhưng những rắc rối mà nó gây ra lại vô cùng tai hại.
Sỏi mật – “sinh nghề tử nghiệp”
Có thể xem sỏi mật là kiếp nạn “sinh nghề tử nghiệp” của túi mật, bởi một số thành phần có trong dịch mật mà nó cưu mang rất dễ kết tụ thành sỏi.
Sỏi mật kết tụ chủ yếu từ cholesterol, bilirubin (sắc tố mật), canxi…Ngoài đặc thù nội tại, sỏi mật còn cần những cú hích như béo phì, viêm nhiễm, tắt mật, rối loạn vận động túi mật, giun chui ống mật, người dùng estrogen... Đặc biệt, sỏi mật khá ưu ái phụ nữ do kích thích tố nữ estrogen và progesteron có liên quan đến hàm lượng cholesterol và hoạt động túi mật.
Nạn ký sinh trùng “tha hương”
Giun chui ống mật chỉ tình trạng giun từ ruột non ngược dòng chui vào ống mật chủ hay túi mật. Nguyên cớ khiến đám giun “tha hương” thường là do dùng thuốc tẩy giun không đủ liều, kích động giun tháo chạy tán loạn. Kém bài tiết dịch vị, biến động đường ruột, táo bón, mang thai cũng là cớ sự tương tự khiến những con giun tao tác. Giun chui ống mật mang theo vi khuẩn gây viêm nhiễm và còn làm tắt ống mật, nghẽn túi mật nếu số lượng lớn. Đám giun ký sinh trùng tị nạn còn “phóng uế”, xả xác giun, trứng giun, tạo thành nhân sỏi mật.
Polyp túi mật
Một vấn nạn hay gặp khác của túi mật là polyp. Nhiều người, nhân cú siêu âm kiểm tra sức khỏe định kỳ, mới được bác sĩ báo tin sét đánh- bị polyp túi mật, từ tích tụ cholesterol. Số lượng polyp thường ít hơn sỏi nhưng đôi khi cũng lủ khủ. Hầu hết polyp lành tính, hiếm khi gây ung thư, không có triệu chứng và không cần điều trị.
Xử trí thế nào?
Có nhiều phương pháp chữa bệnh đường mật, trong đó, sỏi mật đương nhiên thu hút nhiều biện pháp hơn cả. Thuốc tan sỏi thường là lựa chọn đầu tiên cho những ca sỏi nhỏ, lượng ít hoặc bị ngoại khoa từ chối. Thuốc dùng đường uống hay trực tiếp đưa vào túi mật. “Nước chảy đá mòn” là chính, nên tan sỏi nội khoa phải kéo dài từ 6-24 tháng mới hiệu quả. Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng có thể được dùng. Lấy sỏi qua nội soi hay mổ lấy sỏi trong trường hợp không thể né dao mổ. Cắt túi mật là kế cùng đường, dành cho những ca sỏi to, sỏi chất đống, biến chứng nặng, tái đi tái lại, viêm nhiễm nặng. Gọi là cùng đường nhưng thật ra đây là lựa chọn khỏe re cho bệnh nhân vì một phát hết ngay, rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe nhanh.
Cắt hay không cắt?
Dù được xem là kế chót, nhưng thực tế cắt túi mật lại là chỉ định tương đối phổ biến. Sở dĩ túi mật dễ bị “cạn tàu ráo máng”, ngoài những ưu điểm ngoại khoa, còn vì chức năng không mấy độc tôn của nó. Không có túi mật, dịch mật vẫn được tiết ra từ gan và đưa vào đường ruột miễn trung gian. Tuy vậy, mất túi mật đồng nghĩa mất khả năng điều tiết, khiến dịch mật tiết ra và chi dùng theo kiểu “quân hồi vô lệnh”, làm người bệnh dễ bị rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, khó tiêu… Tạm xem đây là cái giá chấp nhận được so với việc dung dưỡng một túi mật nay ốm mai đau, dọa biến chứng nguy hiểm.
Nói vậy, nguyên tắc vẫn là giữ được thì giữ, không phải cứ phiền là tiện một phát cho rảnh nợ.
Muôn thuở phòng hơn chữa
Ở ta, nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm ký sinh trùng là thủ phạm chính tạo sỏi mật. Do vậy, tiên quyết là ăn chín uống sôi. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tẩy giun định kỳ.
Về chế độ ăn, số một là giảm mỡ, hạn chế cholesterol ( lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật). Tăng thực phẩm đường bột, giàu chất xơ, vừa dễ tiêu, tránh táo bón, vừa nhẹ gánh đường mật. Rau quả tươi giàu vitamin C và nhóm B giúp tăng chuyển hóa chất mỡ, cũng là cách nâng đỡ túi mật. Tránh dùng trà, cà phê, cacao, chocolate….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận