Khi ngồi làm móng, xem như phó thác hết bộ móng cho thợ muốn làm gì thì làm. Nếu chảy máu thì lấy bông gòn chấm, kèm câu xin lỗi là may mắn, đa số thợ và cả khách coi đó là lẽ đương nhiên. Kềm bấm móng cũng được sử dụng cắt khóe.
Nhiều thợ “mới ra lò” hoặc học theo kiểu “truyền nhân”, chả cần biết cắt kiểu gì mà sau ít ngày được “chăm sóc” móng, bạn thấy ngón chân (thường ở ngón cái) bắt đầu có bệnh.
Biểu hiện của móng chân mọc ngược
Xin đừng tưởng tượng móng mọc vểnh ra giống như râu của mấy ông “không sợ vợ”. Trường hợp này do cắt móng ở hai bên khoé, kể cả khi cắt không gây thương tích thì động tác cắt là yếu tố kích thích khiến hai bên móng mọc nhanh hơn, dài hơn trước. Chúng xiên vào trong thịt theo đường cong một cách ngược ngạo nên gọi là “mọc ngược”.
Chúng khiêu khích bạn khởi đầu bằng triệu chứng đau ở ngón hoặc hai bên móng. Thịt chung quanh móng bị đẩy lên, căng mọng. Đây là thời cơ vàng cho đám vi khuẩn, chúng kéo nhau tới tạo ra một ổ nhiễm trùng. Cơ thể có đội quân bạch cầu ra ứng cứu.
Cuộc chiến diễn ra sôi động đến mức bạn cảm thấy chỗ ngón chân đã nóng, thỉnh thoảng lại giật giật, cộng với cảm giác đau nhức khiến bạn không thể ăn ngon, ngủ yên được. Trường hợp này gọi là viêm kẽ móng.
Cũng cần thanh minh cho các chị thợ, ngoài yếu tố cắt móng của các chị thì mang giày cao gót, mang giày quá chật, tăng cân nhiều và nhanh tạo áp lực lên móng cũng phát động cho móng mọc ngược vào trong thịt. Những chị bị bệnh tiểu đường hoặc suy tĩnh mạch chi dưới đều được coi là yếu tố thuận lợi khiến móng trở nên “ngang ngược”.
Có thể nguy hiểm
Bởi khi nhiễm trùng, vi khuẩn sẽ “ăn” sâu vào tận xương dẫn đến nhiễm trùng xương. Chị nào bị tiểu đường thì vết thương khó lành, mạch máu, thần kinh nơi đây suy yếu, rất dễ bị tháo khớp để tránh đám vi khuẩn “xơi tái” cả bàn chân. Xin đừng xem thường cái móng chân để mà tặc lưỡi rằng “kêratin (chất sừng) chứ có quái gì mà quan trọng hóa như vậy”.
Đề phòng móng mọc ngược
Bạn ra tiệm hãy yêu cầu cắt móng thẳng ngang, không cắt khoé móng, như vậy đã loại bỏ yếu tố kích thích móng mọc ngược vào thịt. Giữ móng chân dài ngang với đầu ngón chân bởi khi móng quá ngắn, bạn mang giày sẽ tạo sức ép lên phần thịt ở đầu ngón chân cũng khiến móng mọc ngược. Không mang giày cao gót quá, cũng không mang giày nhỏ hơn số của mình để các ngón chân bị đè ép. Nên chọn giày vừa với chân và mang thử, khi thấy đôi chân thật sự thoải mái hãy quyết định mua.
Tự chữa tại nhà
Khi bắt đầu thấy khoé móng sưng, đau, bạn tiến hành ngâm chân trong nước ấm từ 20-25 phút, ngày 3 lần. Dùng một ít bông gòn vê lại đặt bên dưới phần móng mọc ngược. Cách này giống như “con đội” của thợ sửa xe, trông dải bông gòn bé tý nhưng nó giúp móng mọc lên phần da mà không đâm thẳng vào thịt nữa.
Mỗi tối ngâm châm đều phải thay dải bông gòn. Khi thấy khoé chân sưng đỏ, cần mua kem Neosporin hay Tetracyclin bôi vào vùng đó. Nên mang giày hở mũi, giày rộng. Nếu bạn đã làm đúng như trên mà tình hình không tốt lên, lại thấy khóe móng có mủ, đau nhức thì nên đến gặp bác sĩ để được chữa trị chu đáo.
Móng chân mọc ngược chỉ chiếm chừng 0,1% trong các bệnh về da nhưng lại chiếm tới 7% trong các bệnh về ngón cần phẫu thuật (rạch mủ hoặc cắt bỏ). Vì thế xin các chị cứ làm đẹp nhưng cần biết cách chăm sóc và bảo vệ nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận