Giả sử một ngày chạm trán phải loài cáo này, dù lúc ấy có sợ mất mật thì bạn cũng sẽ phải đứng ôm bụng cười ngặt nghẽo trước thần thái “rất mang tính giải trí” của chúng trước khi vắt giò lên cổ để chạy.
Khi nói đến loài cáo, chồn, chó sói, hầu hết chúng ta sẽ mường tượng đến một loài thú ăn thịt chạy nhanh, hung dữ với đôi mắt sắc lạnh và hàm răng nanh nhọn hoắt. Nhưng đó là khi bạn chưa biết đến loài cáo cát Tây Tạng.
Chúng có kích thước nhỏ với lớp lông mềm và dày bao phủ khắp cơ thể. Mõm, lưng, cổ có màu vàng nhạt, trong khi phần má, cẳng chân, mông và hai bên sườn của chúng lại có màu xám. Phần chóp đuôi của chúng có màu trắng. Kích thước con trưởng thành đạt khoảng 70 cm và nặng khoảng 6kg.
Tuy nhiên, loài cáo này thường được nhận diện nhờ khuôn mặt vuông vức khác hẳn tất cả họ hàng của mình. Trong khi những loài cáo khác có khuôn mặt khá thon, mõm nhọn, đôi mắt to sắc lạnh thì phần lông hai bên má của cáo cát Tây Tạng lại mọc dài, khiến khuôn mặt trông có vẻ hơi vuông vức.
Đặc biệt hơn cả là đôi mắt vừa ngắn vừa nhỏ, lúc nào cũng “đơ đơ, ngu ngu” khiến người ta luôn phải bật cười khi nhìn chúng.
Vẻ mặt này luôn theo chúng bất kể trong mọi hoạt động nào và bất kể đâu: ngay cả khi săn mồi, mùa giao phối hay khi sinh con.
Cáo cát Tây Tạng chủ yếu được tìm thấy ở các đồng cỏ từ bán khô cằn đến khô cằn ở vùng đồng bằng và đồi núi cao từ 3.500 đến 5.200 mét. Chúng thường tránh xa con người và lớp phủ thực vật cao.
Thức ăn yêu thích của chúng là gà, thỏ, hươu, nai và các động vật nhỏ khác.
Loài cáo cát Tây Tạng cũng nổi tiếng là loài động vật chung thủy. Chúng có tập tính sống đơn lẻ khi còn nhỏ nhưng đến giai đoạn sinh sản sẽ kết đôi với một con cáo khác, cùng nhau đi săn và chăm sóc con cái của chúng cho đến khi cáo con tách mẹ.
Kẻ thù lớn nhất của loài cáo này là con người. Chúng thường bị săn bắt để lấy lông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận