Sức khỏe

Kiệt sức: từ chán việc tới chán đời...

BS TỊT TUỐT

Đăng lúc 10:32 | 24/06/2024

Đây là loại kiệt sức rất “con nhà”, chứ không phải loại “hết xí quách” thường tình.

"Kiệt sức (burnout) là hội chứng, không phải chẩn đoán y tế, do căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc và chưa được kiểm soát thành công" - theo mô tả của WHO dù sơ sài, nhưng cũng đủ hé lộ nhiều điều...

Ba bảy loại

Chung quy có ba loại burnout:

- Overload burnout (kiệt sức quá tải): nôm na, người mắc gần như hy sinh cuộc sống cá nhân và nhu cầu riêng vì công việc. Họ bất chấp, dành một lượng lớn thời gian và sức lực cho thành tựu...

- Under-challenged burnout (kiệt sức dưới thử thách): họ khao khát với công việc thách thức cao, luôn trong cảm giác không đủ cơ hội phát triển hay bị cản trở sự nghiệp...

- Neglect burnout (bỏ qua kiệt sức): họ dễ dàng bỏ cuộc khi gặp trắc trở trong công việc, ngừng cố gắng khi khả năng thành công không cao, chán nản, ghét đi làm, sợ bước vào văn phòng...

Triệu chứng kiệt sức

Căn theo "chủng loại", thì chân tướng của kiệt sức gồm triệu chứng thực thể (mệt mỏi, đau đầu, đường ruột, ốm đau, đổi khẩu vị, khó ngủ) + cảm xúc (cảm giác thất bại, bất lực, bị mắc kẹt, bị tách rời, cô đơn, mất động lực, hoài nghi, giảm sút sự hài lòng) + hành vi (rút lui khỏi trách nhiệm, cô lập với người khác, trì hoãn công việc, bỏ việc, đi trễ về sớm...).

Theo trên, kiệt sức / burnout không hoàn toàn mang nghĩa "hết xí quách" như cái tên, mà dáng dấp trông giống một ca chán việc khơi mào dần thành ra chán đời!

Kiệt sức: từ chán việc tới chán đời...- Ảnh 1.

Con mồi của kiệt sức

Nghe qua, bất kỳ ai đang vật lộn cơm áo gạo tiền, sự nghiệp, công danh đều có quyền "nghi ngờ" mình sẽ là con mồi của burnout lúc nào đó. Thật ra, để được kiệt sức để mắt, cần vài thứ "ra gì và này nọ": hoặc công việc (không kiểm soát được công việc, nhận được yêu cầu quá cao, việc làm đơn điệu hoặc kém thử thách, thiếu công nhận, khen thưởng, môi trường áp lực cao hoặc hỗn loạn), hoặc lối sống (làm "chết bỏ" không nghỉ ngơi, thư giãn, lười giao tiếp, kém quan hệ, ngủ nghê thất thường...), và cả tính cách (cầu toàn, bi quan, bản tính kiểm soát...).

Bỏ việc là xong?

Sau quá trình sống dở chết dở, thì việc tiếp theo là "chữa chạy" thế nào, nếu lỡ bị burnout điểm chọn? "Chữa chạy" trong ngoặc kép ngầm ý burnout không phải bệnh (như WHO khẳng định), tức chả phải thuốc thang.

Vậy, nếu công việc sinh kiệt sức thì cứ nghỉ bén đi cho lành? Chỉ là không dễ tất tay với cần câu cơm, mà chính xác thì phác đồ cứu vãn không có mục nào xúi người ta đâm đơn nghỉ việc; thay vào, căn cốt là vận dụng mọi xoay xở để lấy lại cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Mới sáng ra đã ghét đến sở làm

Ngay trong sáng thức dậy, bạn cảm thấy ngán ngẩm việc đi làm, hãy nghĩ tới việc bạn đã bị kiệt sức hỏi thăm. Nhắc lại kế hoạch giản đơn của burnout: "chán việc đi trước - chán đời theo sau". Trầm cảm và tự sát là cái kết ưa thích của burnout, nghĩa là, từa tựa các bước: nghỉ việc, nhảy việc khơi mào, và kết thúc bằng một giải thoát nơi thành lan can cao.

Nói thêm, WHO vốn xếp burnout là một "hiện tượng nghề nghiệp", nhưng người ta nhất trí rằng chúng hoàn toàn có thể tìm đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, không cứ phải một tay "sáng vác ô đi tối vác về"!

Giành lại quyền kiểm soát

Có nhiều cách lập lại cán cân, mỗi người mỗi cảnh, nhưng tựu trung gồm mấy việc:

1. Xác định nguyên nhân: tìm hiểu yếu tố gây ra kiệt sức, như công việc quá tải, thiếu hỗ trợ, hoặc môi trường làm việc không tốt.

2. Thiết lập ranh giới: biết nói "không" và đặt giới hạn cho công việc. Tránh cày chết bỏ và biết lúc nào cần nghỉ ngơi.

3. Quản lý thời gian hiệu quả: lên kế hoạch và ưu tiên việc quan trọng, tránh dồn việc, thông minh chia nhỏ công việc.

4. Tìm kiếm hỗ trợ: chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp về tình trạng của mình. Đôi khi chỉ cần nói ra cũng đủ nhẹ nhõm hơn mười thang thuốc an thần. Tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc cầu cạnh hẳn chuyên gia tâm lý.

5. Dành thời gian cho bản thân: tận hưởng mọi sở thích cá nhân và hoạt động giải trí. Thành thạo kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga, hoặc đơn giản hít thở chậm và sâu.

6. Chăm sóc sức khỏe: ăn uống lành mạnh, thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc. Tránh cà phê, rượu, thuốc lá quá mức.

7. Tạo môi trường làm việc lành mạnh: nếu có "quyền", hãy thay đổi hay cải thiện môi trường làm việc, có thể bao gồm việc tìm kiếm một công việc mới nếu cảm thấy "không xuể" (tuy vậy tránh dễ dàng "bỏ của chạy lấy người", bởi có thể bạn sẽ lâm cảnh "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa").

8. Nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng: một kỳ nghỉ ngắn dư sức giúp lấy lại sức sống và sự cân bằng.

9. Học cách quản lý stress: đương nhiên rồi, viết nhật ký, thể thao, tham gia hoạt động xã hội chẳng hạn.

10. Đánh giá lại mục tiêu và giá trị: mạnh dạn xem xét, liệu công việc hiện tại có phù hợp với giá trị và mục tiêu dài hạn của bạn hay không.

Có tới 10 mục cho "toa" chữa kiệt sức, nói lên rằng cần kiên nhẫn, gỡ từng mối thắt, nhỏ đến lớn. Dù thế nào đừng quên lắng nghe cơ thể và tâm trí, và đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Sức Khỏe