Sức khỏe

Đến lúc thở chậm lại rồi!

BS TỊT TUỐT

Đăng lúc 08:26 | 01/06/2024

Từ Đông sang Tây, từ đời đến đạo, đếm không xuể những tán tụng dành cho hơi thở chậm.

Đó là Qi (khí), prana (sinh lực), pneuma (linh hồn)..., cùng từng ấy công phu nắm giữ chúng (khí công, pranayama, vipassana...).

Bài viết không có mục tiêu tường tận hơi thở, mà chỉ gắng đong cân riêng hai thành tố khá trọng lượng của "khí": thở nông và thở sâu.

Sống nhanh và thở nhanh

Không nói cũng rõ, ngày nay chúng ta có xu hướng thở nhanh (rapid breathing), và vì thế cũng thường thở nông (shallow breathing). Loại trừ bệnh tật (COPD, hen suyễn, nhiễm toan...), sự nông cạn của hơi thở là cái kết dễ hiểu của gấp gáp, stress, lo toan, lười vận động, tư thế xấu và lạm dụng thiết bị điện tử... Căng thẳng, âu lo thở nhanh không gì lạ, còn hà cớ gì mê lướt smartphone lại khiến người ta hổn hển? Không gì bằng lấy "chứng" ngừng thở email/email apnea làm minh họa. Ít ai biết, chúng ta thường ngưng thở hoặc thở lấy lệ khi đọc email nói riêng, và chú tâm việc gì đó nói chung.

Thở nhanh tệ đủ đường

Đá động có phần bươi móc thở nhanh, dễ đoán, ngầm báo sẽ có một màn "bỉ bôi" chúng tiếp theo. Không sai, hơi thở hời hợt coi vậy mà mang đến lắm sự tệ: thiếu oxy máu, nhiễm độc CO2, nguy cơ loạn nhịp, căng thẳng, căng cơ, khó ngủ, đề kháng insulin, suy giảm miễn dịch...

Đến lúc thở chậm lại rồi!- Ảnh 1.

Cái dở người là cái hay của ta

Lại dễ đoán, bêu riếu thở cạn tức sửa soạn cho màn cổ xúy thở chậm (breathe slowly), và thường cũng là thở sâu (deep breathing). Vậy thở chậm hay ho chỗ nào? Có phải trở bề cái tệ của thở nhanh là ra cái hay của thở chậm? Thật ra, lợi lạc của thở chậm sâu sắc hơn nhiều màn cân phân kẻ tốt - người xấu: khoan hòa nhịp tim, tăng oxy máu, hạ huyết áp, giảm căng thẳng, giải phóng endorphin, giãn cơ, giảm đau...

Thở healthy

Không phải tiết lộ ly kỳ gì, ai cũng biết thở chậm là "khung sườn" của gần hết bài phép thư giãn, thiền định, chả thế mà thở chậm còn có nhiều danh tính là thở thiền, thở yoga. Chúng ta, nếu đã đầy tai với cổ vũ "sống chậm", thì có lẽ nay mai sẽ quen dần với những hô hào "thở chậm", "thở lành mạnh".

Thở bụng

Thở chậm, chiếu theo giải phẫu học, là thở bằng cơ hoành, tức thở bụng, ngược lại với thở ngực của thở dốc. Rốt cuộc thì thở thong thả nhằm thu tối đa oxy cho mỗi phát thở. Cái bụng phình to là cái thần thái của thở chậm.

Pranayama

Pranayama là thở chậm của nhà yoga, cũng có nhiều "asana" như thở luân phiên, thở sọ, thở ong... dành cho dân chuyên nhiều hơn.

Nhìn bụng mà thở

Cầu kỳ, nhưng thiệt ra người tập không cần kỹ lưỡng đến vậy. Bạn có thể khoan thai mà thở với mọi phiên bản hợp với mình nhất, bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu, miễn nhằm tới kim chỉ nam: thở bằng bụng. Thở chậm hồn cốt nhằm an tâm định trí, nên rắc rối quá hóa ra ngược tôn chỉ.

Chống chỉ định

Thở nhanh như trên có nhắc tới, một phần do bệnh tật. Chẳng hạn, người mắc COPD/phổi tắc nghẽn mãn tính, phải thở hào hển để kiếm đủ oxy cho lá phổi nghẹt; nên è ra thở bụng, thở hộp không chừng từ chậm sang ngừng thở hẳn! Những chỉ định của thở bụng gồm COPD, tim mạch nặng, tăng áp lực nội sọ, phụ nữ mang thai...

Thở chánh niệm

Thấy ngay, thở chậm chung quy chẳng cực nhọc gì, nên chuyện ăn thua ở thái độ: dừng coi nhẹ hơi thở nói chung và thở nhanh nói riêng; biết rằng, không ít vấn đề sức khỏe của bạn, có thể có phần góp của những phát thở nông choẹt, mà bạn hào hển mỗi ngày mà không biết.

Các kiểu thở chậm

Bắt tay vào "thở thiền", trước tiên cần nắm bài test căn bản: làm thế nào nhận biết mình đang thở bằng cơ hoành? Đơn giản đặt một tay lên bụng, một lên ngực, tay nào nhấp nhô mạnh hơn mỗi phát thở chính là y thị!

Như có nói, đếm không hết các bài luyện thở chậm, Tây Tàu đủ cả, nên để tránh tẩu hỏa nhập ma, dưới đây chỉ nhón tay đề đạt vài vở phổ biến, được lòng nhiều chuyên gia và người tập:

- Diaphragmatic breathing/thở bụng (căn bản): Đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng. Hít sâu qua mũi để có thể cảm nhận được bụng đang nở ra, trong khi ngực vẫn đứng yên. Sau đó thở ra từ từ bằng miệng.

- Pursed lip breathing/thở mím môi: Hít sâu bằng mũi và thở ra thật chậm qua đôi môi mím lại, mỗi lần thở ra dài hơn hít vào.

- Thở 4-7-8: Hít vào trong 4 giây, nín thở 7 giây và sau đó thở ra 8 giây bằng miệng.

- Alternate nostril breathing/thở mũi thay thế: Dùng ngón áp út ấn một bên lỗ mũi, giữ kín miệng và hít vào từ từ qua lỗ mũi đang mở. Thả ngón tay và ấn lỗ mũi còn lại, đồng thời thở ra từ từ và hoàn toàn qua lỗ mũi đang mở.

- Box Breath/thở hộp: ngồi thoải mái, hít vào từ từ trong 10 giây, giữ trong 10 giây, và sau đó thở ra từ từ trong 10 giây.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Sức Khỏe