Nhiều triệu chứng, dấu hiệu bệnh tật, nhờ thế mà trở nên bình dân và thú vị hơn, không chỉ với thầy thuốc mà cả với bệnh nhân. Nhờ đó mà nhìn người đối diện, ta có thể ngờ ngợ “đương sự hình như đang mắc chứng gì đó”.
Dáng quả táo, quả lê
Có nhiều kiểu ví von vóc dáng phụ nữ. Thơ mộng thì “thắt đáy lưng ong”, “đồng hồ cát”, sỗ sàng thì “eo bánh mỳ” , “hông đòn bánh tét”. Đọ dáng với hoa quả là một phiên bản dịu dàng hơn dựa vào sự phân bố mỡ thừa. Nó còn được dùng để cảnh báo các vấn đề sức khỏe cho phái đẹp. Nổi bật là hai kiểu: Quả Táo - chỉ phụ nữ có phom người trên to dưới nhỏ (ngực nở, eo quá khổ, mông tóp, tay chân khẳng khiu) và Quả Lê – chỉ dáng người trên nhỏ dưới to (ngực và vai nhỏ, hông rộng, đùi và mông phát tướng) . So với “táo” thì “lê” được cho là chống chọi với những căn bệnh tim mạch, tiểu đường, tai biến mạch máu não tốt hơn. Lý do: loại mỡ tập trung ở phần dưới cơ thể như eo, mông, đùi là loại mỡ “biết điều”, đặt đâu ngồi đó, ít sân si chui sâu vô trong bám vào nội tạng; trong khi đám mỡ đeo bám nội tạng (dáng quả táo) lại chuyên xúi giục insulin đề kháng, làm rối loạn chuyển hóa, gây xơ vữa mạch máu...
Hiện tượng ruồi bay
Nhiều ông trung niên phát hiện trước mắt vài ba chú “ruồi” bay loạn, dụi hoài không hết. Đi khám, được bác sĩ báo chỉ là do lão hóa dịch kính. Dịch kính hay pha lê thể, cấu thành từ collagen, khi son trẻ khá trong suốt, khi tuổi tác chất chồng, collagen dần biến chất, co rút, tạo thành đủ thứ hình thù : đốm đen, sợi dài, mạng nhện , giun, dế… là hiện tượng ruồi bay. Hầu hết đám “ruồi” này là kết quả của tuổi tác nên không cần điều trị, chỉ một số ít liên quan đến tổn hại tại mắt hoặc qua trung gian bệnh tiểu đường, cao huyết áp...
Vẻ mặt… nhiễm trùng
Ai nhìn qua một lần thường không lẫn vào đâu được. Vẻ mặt nhiễm trùng có giao diện gồm : nét mặt buồn bã, thiểu não, hốc hác + mắt kém thần sắc, lờ đờ, nhắm hờ + mũi thở nhanh + môi khô, lưỡi bẩn (đóng rêu, đổi màu, rìa lưỡi đỏ) + hơi thở hôi, là do có ổ nhiễm trùng nặng ở đâu đó, gay nhất là nhiễm trùng huyết. “Anh em cột chèo” với nó là Mặt uốn ván và Mặt thương hàn. Độc tố uốn ván gây co cứng cơ mặt tạo nên khuôn mặt “đau khổ” điển hình với trán nhăn, mày xếch, khóe miệng trễ. Trong khi đó nhiễm độc thần kinh do thương hàn lại tô vẽ một gương mặt bất động, vô cảm, thờ ơ…
Mũi sư tử: Rối loạn phát triển da vùng chóp mũi là bệnh sinh của mũi sư tử, nhiều trường hợp lấy đà từ bệnh trứng cá đỏ thiếu niên. Bệnh phát ban đầu chỉ là vùng da đỏ, giãn mạch chóp mũi (gọi là mũi cà chua), về sau da càng dày, tăng sinh, mọc thùy lổm ngổm cực khó coi. Không rõ nguyên cớ nhưng thường phát ở mấy ông nhậu, hay ăn cay, nóng, lạm dụng corticoid, đi nắng, làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và stress.
Ngón tay dùi trống.
Thân ngón suôn nhưng chóp ngón phình to, kèm móng tay khum lại hệt dùi trống. Đây là dấu hiệu nặng của bệnh tim bẩm sinh, nung mủ phổi (áp-xe phổi, mủ màng phổi). Bệnh gốc dứt điểm thì dùi trống cũng lặn mất.
Ức bồ câu
Là một dị dạng bẩm sinh đẩy xương lồng ngực nhô cao quá mức bình thường. Ức bồ câu ít gây chèn ép tim, phổi, chủ yếu gây phiền về thẩm mỹ. Ức bồ câu có thể được đẩy bẹp xuống dần dần bằng khung ép (giống niềng răng), nếu nặng phải phẫu thuật đập ra làm lại.
Tay vê thuốc Lào hay đếm tiền
Không khó phát hiện ở người bệnh Parkinson (thoái hóa thần kinh trung ương, thiếu hụt dopamine, ảnh hưởng vận động, thăng bằng, sử dụng cơ). Người bệnh dùng ngón trỏ và ngón cái se se liên tục như đếm tiền hay vê cục thuốc Lào cho vào ống điếu, chỉ dừng lại khi bệnh nhân cầm nắm vật gì đó.
Dáng đi chim cánh cụt.
Cũng là bệnh Parkinson, gây co cứng cơ khiến bệnh nhân có dáng đi kiểu rón rén, từng bước nhỏ, hệt cách mấy chú cánh cụt di chuyển.
Bước chân múa ballet
Bình thường khi bước ta tiếp đất bằng gót, nhưng có người lại bước đi hơi kiểng chân mặc dù bàn chân và gót chân chạm đất, giống như múa ballet. Một số trẻ có kiểu bước ballet lớn lên sẽ khỏi, người lớn mắc phải thường do căng cơ tam đầu, co rút gân Achilles,
Bàn tay nữ hộ sinh
Cứ trông cách người ta tạo bóng lên tường hình con vịt là hiểu thế nào là bàn tay hộ sinh. Cổ tay và khớp bàn ngón gập lại trong khi ngón tay duỗi thẳng và ngón cái gập vào lòng bàn tay. Bàn tay nữ hộ sinh là triệu chứng “đinh” của chứng hạ canxi huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận