Tuy vậy, không phải bất kỳ con heo hay heo kiểng nào cũng có thể đột nhiên hóa thành “nhân viên hỗ trợ”...
Heo có... lợi thế của heo
Hầu hết “dân thường trú” trong những nhà dưỡng lão thường tỏ ra nghi ngờ khi thấy chuyên gia vật lý trị liệu Daan Vermeulen dẫn một con heo đực kêu ủn ỉn cùng bước vô để làm quen với họ.
“Lúc đầu, không phải lúc nào tụi ủn ỉn cũng được các bệnh nhân hoan nghênh. Điều này là một... dấu hiệu tốt” - Vermeulen nói với Hãng tin Reuters hồi tháng 3-2011.
Đơn giản vì nhà vật lý trị liệu người Hà Lan này đã từng thực hành một loại hình vật lý trị liệu hơi “kỳ quặc” kể từ năm 2008: ông để cho những người già và trẻ em có “vấn đề” về cảm xúc và hành vi làm quen với heo, rồi dần dà tập cho heo ăn, chải lông và mặc quần áo cho heo... “Liệu pháp ủn ỉn” này là một cách giúp những bệnh nhân thờ ơ với mọi chuyện dễ chuyển biến hơn so với một số liệu pháp khác.
Vermeulen có hai “nhân viên hỗ trợ”: Felix và Rudi - hai con heo nhỏ, nặng dưới 68kg, thuộc loại heo thường được sử dụng trong nghiên cứu y tế. Cả hai đều luôn bình tĩnh trước... những người già khó tính trong khi giúp họ di chuyển, tập các kỹ năng vận động vốn ngày càng suy giảm với họ.
Vermeulen thường sử dụng Felix, chú heo mà ông đã đào tạo đặc biệt, để cung cấp liệu pháp cảm xúc cho người già và trẻ em khuyết tật. Theo ghi nhận của ông, việc tiếp xúc với heo sẽ kích thích sự tò mò, sự hoạt động, và thậm chí là sự tỉnh táo ở người già, giúp họ “thức dậy” khỏi sự thụ động thường xảy ra khi họ già đi.
“Có thể gọi heo trị liệu là một loại... chất bôi trơn xã hội đối với những bệnh nhân có vấn đề về tâm lý và khả năng tập trung - ông giải thích - Đó là cuộc hội ngộ với một con vật mà người ta từng biết rõ nhưng rồi họ đã không nghĩ tới trong nhiều năm”.
Mèo, chó và ngựa thường được sử dụng như động vật trị liệu, nhưng một con heo dễ thành công vì nó đủ “khác thường” để thu hút sự chú ý của đám đông, theo kinh nghiệm từng trải của Vermeulen.
“Chắc chắn là chó vẫn có những phẩm chất tốt. Tuy vậy, nếu tôi đang đi bộ dọc một bên đường với con heo của tôi, còn bạn cũng đang đi bộ dọc theo phía bên kia đường cùng con chó của bạn, mọi người sẽ tập trung nhìn vô tôi. Đó là lợi thế của một... con heo” - Vermeulen khẳng định.
Nàng Ủn Ỉn chờ sẵn nơi sân bay
Hai năm trước, theo Insider (18-11-2019), sân bay quốc tế San Francisco đã lần đầu tiên có được một con heo trị liệu. Đó là một nàng ủn ỉn được gọi là LiLou, 5 tuổi. LiLou thường được cho đội nón phi công, được cô chủ Tatyana Danilova sơn bốn cái móng bằng một loại “sơn móng tay” thích hợp có màu đỏ bắt mắt.
Nàng LiLou sẵn sàng góp cái mặt, và cả thân hình núc ních của nàng vô những bức hình selfie do các hành khách đi máy bay rất thích chụp. Thỉnh thoảng, nàng cũng tự “giải trí” bằng cách ngồi “chơi đàn” với cây piano đồ chơi ngay trong sảnh sân bay.
LiLou là con heo trị liệu đầu tiên được đưa vô “Biệt đội vui tính” (Wag Brigade). Cũng có thể gọi nhóm động vật trị liệu này của sân bay là “Biệt đội vẫy đuôi”, giúp xoa dịu sự lo lắng của những hành khách khi đi máy bay, cung cấp "liệu pháp tập thể quốc tế" không chỉ cho hành khách mà cả với các phi công, tiếp viên và nhân viên sân bay.
Biệt đội Wag gồm những con chó trị liệu và LiLou, tất cả đã trải qua huấn luyện từ Cơ quan Phòng chống đối xử tàn ác với động vật ở San Francisco. Bên cạnh đội Wag của sân bay, chương trình Trị liệu hỗ trợ động vật của San Francisco còn sử dụng các "tình nguyện viên" như LiLou, là động vật trị liệu tại một số bệnh viện, nhà hưu trí, trường học và các cơ sở khác trong cộng đồng.
“LiLou là một thí dụ để nhiều người hiểu rằng loài heo có thể tạo ra ấn tượng tới mức nào, từ đó suy nghĩ thấu đáo hơn về cách đối xử với chúng” - tiến sĩ Jane Goodall, nhà linh trưởng học nổi tiếng, đồng thời cũng là nhà bảo tồn, người sáng lập Viện Jane Goodall và sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc, lưu ý.
“Các nghiên cứu đã cho thấy việc tương tác với động vật có thể làm tăng lượng hoócmôn oxytocin làm giảm căng thẳng và hạ mức cortisol (hoócmôn gây căng thẳng) xuống thấp hơn, giúp chúng ta bình tĩnh và cảm thấy thư giãn hơn” - tiến sĩ Christine Rhodes ở Đại học Derby, Vương quốc Anh, nói với Hãng tin BBC (13-11-2019).
Tiêu chuẩn nào cho động vật trị liệu?
Động vật trị liệu giúp mang lại niềm vui, sự thích thú và thoải mái cho các thành viên khác nhau trong xã hội. Những bạn bốn chân ấy thường được sử dụng trong một số bệnh viện, nhà dưỡng lão hay trường học. Chúng có "năng khiếu" đặc biệt để tương tác và cũng tỏ ra thích làm cho những người xung quanh vui lên.
Những động vật này cần được đào tạo trong một thời gian đáng kể, trước khi sẵn sàng vượt qua một bài kiểm tra khó khăn với người đánh giá có bằng cấp chuyên môn để được chứng nhận là động vật trị liệu.
Bên cạnh đó, còn có loại động vật hỗ trợ cảm xúc (viết tắt là ESA), đôi khi được gọi là “vật nuôi an ủi”, hoặc “động vật đồng hành”, có thể là chó, mèo, thỏ, heo nhỏ, nhím, chim và nhiều loài vật nuôi khác. Các “bạn ESA” cũng cần được bác sĩ trị liệu có giấy phép hành nghề kê đơn cho một người bằng một lá thư có định dạng đúng quy định, nêu rõ người đó được xác định là bị khuyết tật về cảm xúc hoặc tâm thần, và sự hiện diện của động vật ESA là cần thiết cho sức khỏe tâm thần của người khuyết tật.
Tuy vậy, các “bạn ESA”không phải trải qua huấn luyện theo nhiệm vụ cụ thể. Đơn giản vì sự hiện diện của chúng sẽ làm giảm bớt các triệu chứng tiêu cực liên quan tới chứng rối loạn của một người.
Việc nuôi heo kiểng gần như rất ít so với các loại thú cưng thường gặp nhất là chó và mèo. Điều này không có nghĩa là heo không thể trở thành loại động vật hỗ trợ tinh thần tuyệt vời. Heo có trí thông minh cao và "tính hướng ngoại", dễ hòa đồng và học hỏi rất nhanh nên rất dễ được huấn luyện.
Gần đây, trước xu hướng phát triển heo thành động vật trị liệu, hiện có nhiều người Mỹ muốn đăng ký heo cưng của họ như một “động vật trị liệu”. Từ đó đã xuất hiện một số cá nhân và tổ chức bán dịch vụ trực tuyến đăng ký hoặc chứng nhận động vật.
Chẳng hạn, họ chào mời một loại dịch vụ chính thức của Cơ quan Đăng ký quốc gia về dịch vụ động vật (NSAR) ở Hoa Kỳ, cung cấp cách phân loại thú cưng của công dân là “động vật hỗ trợ tinh thần” với giá khoảng 64,99 USD, cộng thêm chi phí vận chuyển. NSAR sẽ thêm vật cưng tham gia dịch vụ vào sổ đăng ký trực tuyến của họ, và gửi tới khách hàng hai thẻ nhận dạng cùng giấy chứng nhận đăng ký có con dấu dập nổi.
Tuy vậy, loại công nhận đăng ký này gần như... không có giá trị pháp lý gì trong lĩnh vực xác nhận một... động vật phục vụ. Bất cứ ai cũng có thể đăng ký thú cưng của mình với NSAR dù vật nuôi đó không cần qua đào tạo, xác nhận, hoặc thậm chí cần ghi chú của bác sĩ chuyên ngành thứ thiệt.
Các tài liệu xác nhận đăng ký từ NSAR không chuyển tải bất kỳ quyền nào về công nhận động vật phục vụ, theo Luật về người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA), trong khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không công nhận giấy tờ của NSAR là bằng chứng cho thấy chó (hay vật nuôi khác) là động vật phục vụ.
Theo Luật ADA, chó (và ngựa nhỏ) được huấn luyện riêng, được chấp thuận để phục vụ như động vật phục vụ, có thể hướng dẫn những người mù và cảnh báo những người bị điếc. Động vật phục vụ cũng có thể dùng các kỹ năng cụ thể để hỗ trợ di chuyển, phát cảnh báo về động kinh và thực hiện các nhiệm vụ khác nhằm giảm thiểu tình trạng khuyết tật của cá nhân.
Trên thực tế, các nghiên cứu sâu về động vật trị liệu đã dẫn tới khá nhiều... tranh luận khi trao đổi về những gì xác định khá nhiều “danh hiệu” được đặt cho những loại động vật như vậy ở Hoa Kỳ, và những gì mà mỗi loại danh hiệu động vật thật sự đòi hỏi. Đó là chưa kể tới trường hợp các bang riêng lẻ ở Hoa Kỳ cũng đưa ra luật riêng, có thể ngược lại hoặc thay thế luật liên bang.
Dù sao vì chúng ta chẳng phải... người Mỹ, cũng chẳng ở phương Tây nói chung nên bạn đọc Tuổi Trẻ Cười vẫn có thể cần tới “liệu pháp cảm xúc” ngay ở nhà mình khi nuôi một thú cưng. Riêng việc bạn nào đó có thể nuôi và... đủ điểu kiện để nuôi một em ủn ỉn như thú cưng thì... tùy bạn à nha (tác giả và tòa soạn không dám khuyên, cũng chẳng chịu trách nhiệm chi ráo vì đó đâu phải là... động vật ESA chính hiệu).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận