Khẩu trang còn là phụ kiện “đinh” trong tổng thể thời trang ninja bất hủ của mấy bà. Mang khẩu trang ngăn bụi, hóa chất, vi khuẩn, con nít cũng biết, nhưng có phải mang khẩu trang vào là cứ yên tâm mà hành tẩu giang hồ?
Bụi trần hiểm ác!
Bụi là đối tượng sừng sỏ mà một chiếc khẩu trang cần đương đầu, và thứ định phân số má của chúng là kích cỡ. Bụi càng nhỏ thì khả năng chui sâu vào cơ thể gây hại càng đáng sợ. Do vậy, giá trị một chiếc khẩu trang tùy vào công phu ngăn được cỡ bụi nào.
Thế giới bụi bặm thượng vàng hạ cám, ngoài loại bụi đầu đường xó chợ to đùng bốc lên sau xe cộ, thì phải kể đến đám “trùm cuối”- bụi mịn, siêu bụi, bụi nano. Phổ biến là hai cái tên PM10, PM2,5 (ký hiệu chỉ cỡ bụi tính bằng micromet- µm). “Idol” hiện nay là PM2,5, từ đây các loại khẩu trang tranh bá tùy khả năng chống được loại bụi này!
Vải thưa che mắt thánh?
Vấn đề là loại khẩu trang nào có khả năng thay trời hành đạo?
Đầy vỉa hè là loại khẩu trang vải rẻ, đẹp nhưng công năng hạn chế, chủ yếu trị đám nhãi nhép PM10 (ngăn 20-30% bụi). Vậy thì sứ mệnh vào tay khẩu trang y tế? Thực tế thì hầu hết các loại khẩu trang y tế phổ dụng cũng không xử nổi PM2,5, mà cờ chỉ nằm trong tay một số khẩu trang chuyên dụng, vốn không hề gắn mác y tế. Những loại khẩu trang có máu mặt này thường được gắn chuẩn N, phổ biến là N95, N99 (ngăn 95,99 % bụi) với cỡ hạt kịch sàn 0,3 µm!
Tuy nhiên, đa phần bà con ta lại gửi gắm lòng tin…nhầm chỗ vào cái khẩu trang! Tiền mất tật mang, nhưng lại ôm vào những chiếc khẩu trang “vải thưa che mắt thánh”! Lại còn thêm kiểu tự luận: xem khẩu trang y tế đủ cân team, mang khẩu trang càng nhiều lớp thì lọt nia xuống sàng, càng an tâm... Dùng sai cách cũng là lý do phổ biến biến một chiếc khẩu trang thành thứ làm cảnh cho vui trên mặt!
“Khẩu trang yếu lược”
Cả khi chụp lên mũi một chiếc khẩu trang thứ dữ, thì vấn đề cũng chưa dừng lại. Một chiếc khẩu trang dù chém…bụi như chém bùn, nhưng không áp sát được vào mặt, để lộ khoảng trống, cũng coi như vứt. Phụ họa là các kiểu… lâu lâu mở hé để thở hay tám chuyện, xem như mang phí của!
Một chiếc khẩu trang vải quanh năm không giặt, treo móc trên xe, đút túi quần bám đầy bụi bặm, chẳng bảo vệ được ai. Tréo ngoe ở chỗ, theo lý thì giặt giũ, nhất là với loại khẩu trang chuyên dụng, sẽ làm biến chất, mất tác dụng sản phẩm. Tậu phải loại khẩu trang đắt tiền thì người ta có lý do ở dơ sống lâu!
Khẩu trang cũng có hạn dùng và thường chẳng tày gang, bởi công năng sẽ nhanh chóng bảo hòa hoặc biến chất. Đơn cử, lớp than hoạt tính sau vài ngày tọng đầy bụi mẹ bụi con, sẽ rơi vào trạng thái no hết chứa nổi. Những loại khẩu trang được giới thiệu dùng cả năm, thoải mái dày vò, thật ra là nói quá! Khí hậu, điều kiện môi trường Tây khác Ta, nên mấy loại khẩu trang “mắt xanh mũi lõ” thường chỉ trụ được chừng đôi ba tháng là giã từ vũ khí.
Nhiều khẩu trang được giới thiệu có dùng than hoạt tính (tẩm sợi, lớp lót) như một bảo bối kháng bụi, hóa chất, vi khuẩn, nhưng thật ra than hoạt tính không có cửa với bụi mịn, nhất là PM 2,5!
● Chọn khẩu trang cần dựa vào tiêu chí nào?
- Tác dụng: tùy tình hình bụi bặm, với bụi mịn thì loại N95, N99 được khuyến nghị sử dụng.
- Độ ôm sát mặt: thực tế, đây mới là chuẩn sát sườn. Thiết kế dây đeo, kiểu và độ đàn hồi mặt nạ là yếu tố đánh giá, nên thử trước nếu được. Đặc biệt chú ý vị trí khẩu trang tiếp xúc với phần cằm hoặc khe giữa mũi và má, với phần dây cứng định hình (nếu có) .
- Độ thoáng: nếu gây bí bách, khó thở còn khiến người dùng hay mở hé khẩu trang để thở.
- Chất liệu: không gây dị ứng, không mùi hăng, không thấm nước...
● Bảo quản
- Khuyến cáo nên giặt nhẹ bằng nước sạch. Dùng chế độ giặt đồ mỏng với máy giặt. Không dùng chất làm mềm vải, phơi khô tự nhiên không sấy.
● Cách đeo khẩu trang (loại hai lớp dùng một lần phổ biến)
- Trải phẳng khẩu trang, dùng 2 tay kéo đều sang 2 bên.
- Tay phải giữ chặt khẩu trang, tay trái đeo quai qua tai, rồi đeo tiếp bên còn lại.
- Cố định thanh cứng nẹp mũi, ôm khít sóng mũi.
Những kẻ máu mặt li ti
Bụi-đặc biệt là bụi mịn- lọt vào cơ thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe: nhẹ thì kích ứng, ho, hắt hơi; nặng thì giảm chức năng hô hấp, hen suyễn, bệnh tuần hoàn, tim mạch, tiểu đường, ung thư phổi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận