Bạn nhậu trong lúc hứng chí, càng cụng ly càng thấy bốc, dzô ào ào tới bến… Về tới nhà đã có vợ hầu, nên cho "chó ăn chè" thoải mái… Đang chìm nghỉm trong giấc nồng, bỗng bạn thấy đau cồn cào ở vùng dưới mũi ức. Cái đau mỗi lúc một tăng, dần dần như có ai đang cào cấu vào vùng bị thương, sau đó là nôn ra một ít máu bầm… Vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ đặt ống nội soi và chẩn đoán: Viêm dạ dày xuất huyết do rượu.
Có bà thỉnh thoảng bị đau lưng, đi khám ngại xếp hàng, bèn ra tiệm thuốc tây kể bệnh. Cô bán hàng vui vẻ "ra toa" chừng 3 loại thuốc giảm đau trong đó có 3 viên Dexamethasone. Bà uống và khen cô "mát tay", cái đau biến đi còn nhanh hơn cả lúc nó xuất hiện. Chiều tối "cụ đau" tái xuất giang hồ không ở lưng mà "ngồi chồm hổm" nơi bụng. Lần này nó như xé gan, xé ruột, đau như ai xát muối ớt vào vùng trên rốn. Con cháu hết hồn đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán: Xuất huyết dạ dày.
Lại có trường hợp mùa mưa, trẻ sốt, gia đình không theo dõi báo chí nên chả biết đang có dịch sốt xuất huyết bèn cho bé uống Aspirine, để rồi bé nôn ra máu, đi cầu ra phân đen. Đưa đến bệnh viện, bác sĩ vội vã chỉ định xét nghiệm, truyền máu cấp cứu, mới bảo toàn mạng sống của bé. Hú hồn!
Có ông nọ không nhậu cũng chẳng uống viên thuốc nào, nhưng ở cơ quan luôn căng thẳng, về nhà vợ suốt ngày càm ràm về chuyện tiền nong, con cái. Ông "nuốt" tất cả nỗi bực dọc vào trong… bụng. Thế rồi thỉnh thoảng ông thấy vùng bụng đau âm ỉ, không theo qui luật thời gian nào… Ông lặng lẽ đi khám, bác sĩ chẩn đoán: Viêm dạ dày mãn tính. Ông chưa kịp thắc mắc thì vị bác sĩ nọ sau khi quan sát vẻ mặt "thiếu cơ cười" của ông đã giải thích rằng: Chắc anh có cuộc sống căng thẳng, hãy giải tỏa xì-trét mới mong cái bao tử hồi phục từ từ được.
Còn một nguyên nhân nữa cũng nên báo động theo kiểu "bớ bà con" là viêm dạ dày nhiễm khuẩn. Vi khuẩn cúm, thương hàn, sởi, bạch hầu… đều có thể gây viêm dạ dày. Nguy hiểm đại trà phải kể đến một tên giống như "đạo chích" là Helicobacter pylori có thể lây nhiễm qua nước miếng (khi "thơm" nhau), qua phân (khi người bán quán ăn bị nhiễm nhưng đi cầu xong không rửa tay lại chế biến thức ăn hoặc bốc thức ăn cho bạn), khi trong gia đình mọi người dùng chung ly uống nước, khi ôshin có vi khuẩn lại chịu trách nhiệm cái nhà bếp và "chia đều" loại vi khuẩn này cho cả gia đình, khi bạn đi nội soi mà ống nội soi chưa tiệt trùng kỹ…
Helibacter pylori vào đến bao tử, chúng sẽ chui vào lớp màng nhầy, lớp này giống như "anh bảo vệ" chống lại độ axít cao trong dạ dày. Tại đây, chúng lớn nhanh nhờ ta cung cấp chất bổ dưỡng nuôi chúng và sinh sản vô tội vạ. Chúng kích thích dạ dày tiết axít nhiều hơn, đồng thời độc tố của chúng làm tổn thương tế bào niêm mạc. Thế là niêm mạc bị phá hủy, màng nhầy bị ăn mòn. Bạn sẽ có một cái đau dấm dứt, khó chịu ở vùng trên rốn, đau tăng lên sau khi ăn, lại hay buồn ói hoặc ói, hay ợ hơi, ợ chua. Thỉnh thoảng bạn bị tiêu chảy hay táo bón vô lý….
Vi khuẩn này được ưu ái ở Việt Nam bởi môi sinh của ta, mà Tịt Tuốt tôi mạnh miệng xếp loại là "bầy hầy" nhất nhì thế giới. Ý thức giữ gìn vệ sinh mà tối thiểu là làm ơn rửa tay trước khi ăn của ta cũng rơi vào "hội chứng quên" nên theo các nhà ký sinh trùng thì dân ta nhiễm Helibacter pylori cỡ 70%!
Viêm dạ dày sau khi chữa trị có "tái hồi" không?
Có đấy, thường những "liền ông" đã được bà xã tấn phong lên hàng "bợm" sau đợt cấp cứu lại thấy thèm hơi men, không dzô không chịu được. Đó là những người nhiễm Helicobacter pylori tái đi tái lại, những người niêm mạc bao tử bị dội bom "khủng bố" vì dùng thuốc bừa bãi. "Bác bao tử" bị viêm mãn tính lâu ngày, các tế bào biến dạng, biến dị để trở thành ung thư. Khối ung thư be bé thì còn "xẻo" chỗ đó ném đi, chứ đã to đùng, chẹn đường đi của thức ăn xuống ruột, rồi thì tế bào ung thư còn ham vui chạy lung tung ra hạch, sang gan và chu du khắp nơi. Chuyện bé như cái lỗ kim nay biến thành con voi, nuối tiếc, ân hận, thương người thân yêu đều muộn màng…
Viêm dạ dày nên ăn gì?
Bạn nên ăn những món mềm như xúp, cháo, cơm nát, bột, để bao tử đang đau đỡ phải nhào, trộn, nghiền. Không nên ăn những món chua, cay làm tăng độ axít. Không nên ăn các loại hoa quả chua, hoa quả có tính nhuận tràng như chuối, đu đủ và các loại thực phẩm chế biến sẵn như giăm bông, lạp xưởng, xúc xích, sữa chua. Trường hợp viêm do vi khuẩn cần được điều trị kháng sinh đặc hiệu, sau đó xét nghiệm dịch vị nhiều lần và điều quan trọng là đừng để tái nhiễm. Đông y có bài thuốc chống viêm dạ dày không do vi khuẩn: Dùng trà xanh, gừng lượng bằng nhau rửa sạch, đun sôi, uống hàng ngày.
Để tránh viêm dạ dày phải thay đổi lối sống. Không nhậu nhẹt triền miên, chống stress bằng cách thư giãn như đi du lịch, thể thao, yoga, thiền. Chống lây nhiễm vi khuẩn virus bằng cách trước khi ăn rửa tay sạch, không dùng chung ly, tách. Đến cơ quan, đi hội họp đã sờ tay vào bàn ghế, ngồi xe hơi, nắm tay vào nệm… đều phải rửa tay. Các trường học phải dạy các trẻ giữ vệ sinh cá nhân rõ ràng, cụ thể. Con số 70% người Việt Nam nhiễm vi khuẩn Helibacter pylori và 20% viêm dạ dày do bia, rượu hẳn là đáng cho chúng ta suy nghĩ và hành động "tự cứu" trước khi các "từ mẫu" vào cuộc đấy các bạn ạ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận