Trên sân khấu Dòng sông kể chuyện, Như Huỳnh diện trang phục áo bà ba, khăn rằn quàng cổ - biểu tượng đồng hành qua bao tháng năm với người dân nơi đây, làm nên nét đẹp duyên dáng, mộc mạc của đất và người phương Nam.
Như Huỳnh gợi nhớ Sài Gòn - Gia Định trong đêm "Dòng sông kể chuyện"
Hoạt cảnh Thương hồ, soạn giả vọng cổ Lâm Viên, âm nhạc NSƯT Nguyễn Mạnh Tiến, với sự góp mặt của Như Huỳnh làm sống lại không gian từ lúc Sài Gòn mới bắt đầu hình thành.
Nơi bến nổi, người con gái đứng chờ người yêu qua đó thể hiện tính chân thật, mộc mạc của người miền Tây, đồng thời tái hiện nếp sống văn hóa từ ăn mặc, đến tính cách cũng như nghệ thuật đờn ca tài tử lúc bấy giờ.
Trong không gian sông nước tĩnh lặng của Sài Gòn về đêm, âm nhạc cải lương kết hợp với sân khấu cảnh thật tái hiện về thương cảng Sài Gòn nhộn nhịp, nữ nghệ sĩ đã mang đến tiết mục đặc sắc, gợi nhớ Sài Gòn đầy ký ức đẹp năm xưa khiến khán giả muôn phương có mặt nơi đây càng yêu Sài Gòn - TP.HCM nhiều hơn.
Như Huỳnh cho biết: "Là nghệ sĩ cải lương duy nhất hát vọng cổ trong chương trình, tái hiện cảnh sông nước thương hồ, thuở Sài Gòn Gia Định ngày xưa.
Sân khấu được thiết kế nhiều lớp cảnh thực hoành tráng, kỹ xảo 3D, được hàng trăm ngàn người theo dõi trực tiếp trên kênh VTV1, HTV... và trên các nền tảng mạng xã hội, Như Huỳnh cảm thấy vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu và biểu diễn cho đồng bào cùng xem".
Chương trình nghệ thuật đặc biệt lần đầu tiên diễn ra trên sông Sài Gòn, tại thương cảng đã được hình thành cách đây 160 năm, kể về sự hình thành và phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM hơn 300 năm.
Dòng sông kể chuyện qua năm chương: Khẩn hoang, Xây thành, Trên bến dưới thuyền, Thương cảng phồn vinh và Rực rỡ thành phố bên sông với sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ê kíp các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận