Hét vỡ phổi là có thật?
Ngọn ngành là lão cao niên nọ hát karaoke nốt cao liền chục bài, thấy váng vất, khó thở, nhập viện, té ra là bị xẹp phổi do tràn khí màng phổi. Xẹp phổi, bạo miệng gọi phổi xì hơi cũng được, nhưng bảo vỡ phổi, kiểu bong bóng nổ đoàng, là nói quá!
Tràn khí màng phổi? Phổi không có khí thì có gì?
Màng phổi là khoang trống hình thành giữa 2 lớp lá thành (mặt ngoài của phổi) và lá tạng (lót khoang ngực). Màng phổi có mặt tạo áp suất âm, giữ cho phổi hoạt động nguyên lành. Màng phổi chỉ chứa ít dịch và không có không khí. Lý do nào đó, màng phổi bị khí hay dịch len vào, lá tạng bị tách khỏi lá thành, mất phối hiệp, phổi co rút đẩy khí ra ngoài gây xẹp phổi.
Những quả “bom bong bóng”chực vỡ
Có cả tá duyên cớ, nhưng riêng hát hò thì nổi cộm là chứng tràn khí màng phổi do vỡ kén khí, còn gọi là tràn khí tự phát nguyên phát. Kén khí là bọc khí tự sinh, một thứ “phế nang hàng fake”, vô công rỗi nghề, không can dự gì đến hít vào thở ra. Kén khí, đa phần bẩm sinh do loạn sản mô. Kén có thể là tàn tích của ổ áp xe, hang lao, COPD, viêm phế quản mạn. Kén khí đa phần ở đâu yên đó, cho đến khi một vụ tăng áp lực khoang ngực vô tình chọc vỡ chúng và xả khí vào màng phổi.
Nghe nói có người chơi thể thao suýt “toang” vì vỡ kén khí?
Không chỉ hát hò, hoạt động thể chất mạnh, bóng đá, quần vợt, điền kinh, thể hình, thậm chí làm tình quá hớp...đều có cơ hội chọc vỡ kén khí hòm sẳn. Karaoke om sòm, ức người quá đáng, có khi sinh án mạng, hóa ra cũng có thể gây “ngộ sát” chính mình bằng giọng ca bạo hành phổi.
Làm sao phát hiện có kén phổi?
Sách vở cho hay kén khí hay xuất hiện và dễ vỡ, ở người tạng cao gầy, liên quan tới dáng và cỡ xương sườn, lồng ngực, áp suất khoang ngực. Phần lớn kén khí không ho he gì, đa phần phát hiện qua X quang, nhất là kén khí to, có khi bằng cả thùy phổi hay một lá phổi phụ.
Sống chết vì âm nhạc, người hát karaoke cần cảnh giác gì?
Lưu ý tình tiết hát nốt cao. Hát tông cao, không chỉ gân cổ, các giọng ca “Em ơi, có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời” còn phải giữ hơi lâu trong ngực, cái ngòi tăng áp suất là ở đó. Có lửa mới có khói, chẳng ai lường được mình có đang mang đôi ba quả “bom khí” con con không, nên cẩn tắc cứ thiết lập trạng thái bình thường mới cho giọng ca cho lành.
Triệu chứng và điều trị tràn khí màng phổi ?
Đau ngực như dao đâm, ho dữ dội, khó thở, hốt hoảng, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ...Thể nhẹ chỉ có tức ngực, ho khan, khó thở xoàng. Tràn dịch tự phát nguyên phát, chỉ định điều trị dựa vào thể tích phổi của bên bị tràn khí. Nhẹ thì thở oxy đôi ba ngày, nặng phải chọc kim thoát khí cấp cứu. Thể nhẹ, nạn nhân có khi chỉ nằm nghỉ ở nhà, chờ cơ thể hấp thu khí, cũng qua kiếp nạn.
Đừng nhờn với tăng áp lực các kiểu
Mở rộng, ngoài tăng áp lực phổi, quần hùng còn phải kể các ca tăng áp lực nội sọ, tăng áp huyết lòng mạch, mà cái kết thảm hơn mấy phần vỡ kén khí. Nhất hạng là các ca đột quỵ, tàn phế, tử vong, do vỡ dị dạng mạch máu não, vỡ phình động mạch chủ..., đặc biệt với nam thanh nữ tú đệm sẵn “bệnh nền” cao huyết áp, cholesterol cao...
Hát đến xuất huyết não
Hát đến bể phổi có thật thì hát đến xuất huyết não cũng thật nốt. Đừng nhờn với các “xung nhịp” mang tên áp suất. Bất kể có huyết áp cao, kén khí bẩm sinh hay không, thì bạn sẽ không thể biết chúng có thể gây ra chuyện gì, cho đến khi tỉnh lại trong phòng cấp cứu và tự hỏi “mình đã làm gì sai?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận