Các hãng phim như DreamWorks và Pixar đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. May mắn cho Disney - công ty dẫn đầu lâu năm trong lĩnh vực giải trí gia đình, khi Pixar lúc này đã là "người một nhà" của họ.
Tuy nhiên, bản thân Disney lại chậm hơn trong việc nắm bắt xu hướng này. Và mãi đến năm 2011, với Winnie the Pooh, Walt Disney đã chính thức nói lời tạm biệt với hoạt hình vẽ tay truyền thống.
Một công nghệ mới nổi khác là motion capture (quay chuyển động) lại bị một số họa sĩ không đánh giá cao và cho rằng đây không phải hoạt hình "xịn", công nghệ này dùng máy tính để ghi lại chuyển động của diễn viên thật, sau đó dùng kỹ thuật máy tính để diễn hoạt cho các nhân vật.
Nhân vật Gollum trong Chúa tể của những chiếc nhẫn đã sử dụng công nghệ này rất thành công. Tuy nhiên, khi Disney thử nghiệm công nghệ này với hai dự án khủng của mình, thì lại thất bại.
Hai thất bại thay đổi phong cách hoạt hình của Disney
Ý tưởng dùng diễn viên thật để làm hoạt hình nhanh hơn không phải mới. Kỹ thuật rotoscoping (1) được xem là "ông tổ" của motion capture, xuất hiện từ năm 1915.
Họa sĩ Max Fleischer đã chiếu phim lên tấm kính, vẽ lại từng khung hình và sản xuất ra một bộ phim hoạt hình sống động.
Fleischer dùng kỹ thuật này trong series Superman huyền thoại. Sau khi bằng sáng chế của Fleischer hết hạn, chính Walt Disney đã sử dụng công nghệ này trong bộ phim hoạt hình dài tập đầu tiên của mình, Bạch tuyết và bảy chú lùn (1937).
Phim hoạt hình Superman được sản xuất bởi Fleischer Studios.
Các chuyên gia về hoạt hình cho rằng kỹ thuật rotoscope đã góp phần phát triển công nghệ motion capture qua nhiều thập kỷ.
Trong cuốn sách "Tìm hiểu motion capture cho hoạt hình máy tính và trò chơi điện tử", tác giả Alberto Menache viết: "Công nghệ chụp chuyển động trong lĩnh vực giải trí là hậu duệ của rotoscoping. Nó đã được nhiều hãng phim hoạt hình áp dụng trong nhiều năm, nhưng ít hãng thực sự thừa nhận sử dụng, vì nhiều người trong ngành hoạt hình coi đó là gian lận và là sự xúc phạm nghệ thuật hoạt hình".
Thậm chí, hãng Pixar còn "dìm hàng" kỹ thuật motion capture trong phần credit phim. Đạo diễn Brad Bird (biên kịch của Ratatouille (1997), The Iron Giant (1999), The Incredibles (2004)) từng đăng bài "cà khịa" trên mạng xã hội rằng ông phải thêm dòng chữ "Hoạt hình xịn 100%! Không dùng motion capture hay bất kỳ chiêu trò nào vào credit của bộ phim hoạt hình Ratatouille. Đây quả là một "cú tát vào mặt" người tiên phong Fleischer và các nghệ sĩ khác.
A Christmas Carol góp phần "đá bay" ghế giám đốc điều hành của Disney.
Vì Disney không ngại sử dụng rotoscope trong những ngày đầu tiên, nên không có gì ngạc nhiên khi họ chọn áp dụng công nghệ motion capture. Tuy nhiên, việc sử dụng kỹ thuật này để sản xuất toàn bộ phim không kéo dài được lâu.
Lần đầu Disney "bắt chước" các phim thành công như The Polar Express (2004) của Warner Bros. là với A Christmas Carol (2009). Không chỉ "đụng hàng" chủ đề về Giáng sinh, mà Disney còn rinh về một ngôi sao hạng A để cân cả phim.
Cụ thể, Jim Carrey sẽ thay thế Tom Hanks để vào vai Ebenezer Scrooge và tất cả những hồn ma đến thăm ông, để cố gắng thuyết phục lão già keo kiệt thay đổi cách sống.
Một trong những lợi ích của motion capture và cả hoạt hình nói chung, là một diễn viên có thể "cân" nhiều vai "như một vị thần".
Chọn một tác phẩm kinh điển đã được xào nấu nhiều như A Christmas Carol để áp dụng phương pháp làm phim hoạt hình mới toanh này là một chiến lược khá liều lĩnh cho Disney.
Nhưng đạo diễn Robert Zemeckis thì lại rất hào hứng, bởi ổng tin rằng "kiệt tác của Dickens chưa bao giờ được thể hiện đúng như Charles Dickens tưởng tượng khi ông viết nó ra".
Ông còn tự tin khi cho rằng mặc dù bộ phim này đã ra rạp cả tỉ lần, nhưng công nghệ motion capture sẽ biến nó thành "hàng độc" để thu hút người xem đến rạp thêm một lần nữa.
Hiển nhiên, Disney cũng ủng hộ Zemeckis và rót tận 175 triệu đô la đầu tư cho phiên bản mới của phim. Thành quả là một phiên bản A Christmas Carol đúng chất Dickens, đen tối và gai góc hơn bao giờ hết được ra đời.
Dù A Christmas Carol kiếm được kha khá khi ra mắt, nhưng vẫn chưa đủ để bù lỗ. Sau thất bại này, Mark Zoradi đã phải rời Disney với chức danh chủ tịch của Walt Disney Studios Motion Pictures Group kiêm giám đốc tiếp thị toàn cầu sau 29 năm cống hiến.
Mars Needs Moms của Disney có doanh thu mở màn thảm hại thứ 21 trong lịch sử điện ảnh.
Lần tiếp theo và cũng là lần cuối cùng Disney thử sức với motion capture là với Mars Needs Moms (2011). Dựa trên cuốn sách thiếu nhi của họa sĩ truyện tranh Berkeley Breathed (tác giả Bloom County). Bộ phim đã thất bại thảm hại trong việc gây ấn tượng với khán giả.
Tờ Hollywood Reporter gọi việc phát hành bộ phim là một "thảm họa phòng vé", và là "một trong những khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử Hollywood hiện đại". Với kinh phí 150 triệu đô la nhưng chỉ thu về 6,9 triệu đô la trong tuần đầu công chiếu tại thị trường nội địa.
Box Office Mojo xếp Mars Needs Moms ở vị trí thứ 21 trong danh sách những bộ phim có doanh thu mở màn toàn cầu tệ nhất từ năm 1982 đến thời điểm phát hành bộ phim.
Kể từ sau thất bại ê chề này, Disney không còn mặn mà với công nghệ motion capture nữa. Hãng đã "quay xe" trở về với hoạt hình máy tính truyền thống. Tuy nhiên, Disney vẫn dùng motion capture như một công cụ hỗ trợ làm phim hoạt hình trong những phim như Zootopia (2016) và Raya and the Last Dragon (2021).
(1) Rotoscoping là một kỹ thuật hoạt hình mà các họa sĩ diễn hoạt sử dụng để vẽ lại các cảnh hình chuyển động, khung hình qua khung hình, để tạo ra chuyển động thực. Ban đầu, các nhà làm phim hoạt hình chiếu hình ảnh phim người đóng lên một tấm kính và đồ lại hình ảnh. Thiết bị trình chiếu này được gọi là một rotoscope, được phát triển bởi họa sĩ diễn hoạt người Mỹ gốc Ba Lan Max Fleischer. Thiết bị này cuối cùng đã được thay thế bằng máy tính, nhưng quá trình này vẫn được gọi là rotoscoping.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận