Đối với khán giả yêu hài kịch trên toàn thế giới, chắc hẳn một lần trong đời đã nghe đến cái tên "Quý ngài Hạt đậu - Mr Bean" và gương mặt hài hước, chỉ nhìn đã thấy "mắc cười" của ông.
Từ một câu bé hướng nội, nhút nhát và được đào tạo để trở thành một kỹ sư điện, Rowan Atkinson đã bất ngờ có "cú lội ngược dòng" và trở thành một trong 50 diễn viên hài kịch nổi tiếng nhất nước Anh. Sau đó, lại được khán giả toàn cầu biết đến như một ông vua hài kịch qua hình tượng Mr Bean do chính ông xây dựng.
Như đã nói, con đường đến với hài kịch của Rowan Atkinson là hoàn toàn tình cờ và không trải qua một trường lớp đào tạo nào cả. Atkinson hoạt động trong nhóm kịch của trường, nơi ông theo học bằng Thạc sĩ kỹ sư điện. Từ đây, chàng sinh viên nhút nhát, có phần ngờ nghệch đã tìm thấy hướng đi của cuộc đời mình và từng bước chạm đến thành công.
Sẽ không sai khi nhận định khả năng tấu hài cũng như biểu cảm hài hước của Atkinson là món quà trời ban nhưng sự nghiệp rực rỡ của ông có được là nhờ may mắn thì có lẽ không.
Bắt đầu từ giữa thập niên 70, Atkinson đã hoạt động trong vai trò một diễn viên kịch nghiệp dư trong câu lạc bộ của trường Đại học Oxford. Cho đến 1976, câu lạc bộ kịch của Rowan Atkinson tham gia biểu diễn trong Hội diễn Edinburg Fringe thì tài năng của ông đã thực sự gây được sự chú ý và được cả nước Anh biết đến.
Lúc này, Atkinson đã gặp gỡ biên kịch Richard Curtis và nhạc sĩ Howard Goodall - hai người cộng sự gắn liền suốt sự nghiệp hài kịch của ông về sau.
Cùng với nhau, họ đã bắt tay tạo dựng những tác phẩm mang dấu ấn của riêng mình. Khi đó, anh chàng kỹ sư điện nhút nhát, lại có những biểu cảm có phần ngốc nghếch mỗi khi bối rối hay căng thẳng đã hoạt động miệt mài với tư cách là diễn viên hài và tự học hỏi viết kịch bản cho những vai diễn của riêng mình.
Thành công đã thực sự “gõ cửa” khi các chương trình tự biên tự diễn của Atkinson và nhóm bạn được đài truyền hình ngỏ lời hợp tác, dựng thành chương trình phát định kỳ. Sau đó, ngoài diễn xuất và biên kịch, Rowan Atkinson còn làm cố vấn cho loạt chương trình hài ăn khách như: Canned Laughter (Nụ cười đóng hộp) năm 1979, Not the Nine O’Clock News (Không phải thời sự 9h)….
Đến thập niên 80, Atkinson đã có được thành công vang dội với series hài kịch tình huống Blackadder, bắt đầu vào năm 1983. Ở phần đầu tiên Blackadder, Atkinson cùng với Richard Curtis đồng tác giả kịch bản và kiêm diễn diễn viên chính.
Cho đến những phần tiếp theo của series này, Atkinson chỉ đảm nhận vào vai một kẻ láu cá với những lời thoại mang tính “cà khịa” kết hợp với biểu cảm hài hước thiên bẩm của mình đã biến ông trở thành gương mặt quen thuộc trên sóng kênh truyền hình quốc gia Anh.
Với thành công của series Blackadder, Rowan Atkinson được mời đóng quảng cáo cho nhiều thương hiệu lớn. Trong đó, hình tượng một điệp viên tình báo xui xẻo và luôn làm hỏng chuyện của Rowan Atkinson trong một series phim quảng cáo đã trở thành hình mẫu xây dựng nhân vật chính trong phim điện ảnh Johny English sau này.
Đồng thời với hài kịch, ông cũng “lấn sân” sang điện ảnh khi nhận lời tham gia trong những phần phim đầu tiên của series 007 bao gồm: Never say never again và Dead on time. Sau đó là The tall Guy và The witches giúp tên tuổi của ông vượt ra khỏi lãnh thổ Anh quốc với Mr Bean - một hình tượng nhân vật độc đáo, hài hước và khó ai có thể bắt chước được.
Mr Bean được định danh là "quý ngài xui xẻo" với những hành động ngốc nghếch hết chỗ nói. Trong mắt khán giả, Mr. Bean chỉ là một cậu bé to xác, vô tư hồn nhiên khi giải quyết các vấn đề cơ bản trong cuộc sống thường ngày. Nhưng để có thể mang đến được sự vô tư hồn nhiên đó là điều không dễ chút nào.
Chất hài hước trong thế giới của Mr Bean đến từ những tình huống tréo ngoe, khi điều vụn vặt bị thổi phồng và người xem luôn cảm thấy bất ngờ khi không thể đoán trước được điều quen thuộc nào sắp bị Mr. Bean biến thành bất thường cấp vũ trụ trong series hài này.
Một lý do khác, Mr Bean được kết hợp từ hình thức phim câm với hài tình huống, trong đó tận dụng tối đa ngôn ngữ hình thể thay vì thoại nên dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hoá để chinh phục khán giả. Đó có lẽ là lý do khiến Mr. Bean - một thanh niên có lẽ “từ trên trời rơi xuống” - nhanh chóng được tác giả đón nhận và yêu mến đến vậy.
Cho đến nay, vẫn còn không ít những phân tích cũng như tranh luận để lý giải vì sao hình tượng "quý ngài xui xẻo" Mr. Bean lại nổi tiếng và được người xem khắp năm châu say mê đến vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng, tiếng cười được Mr Bean tạo ra chỉ là những hành động cường điệu một cách ngớ ngẩn không trí não, lố bịch hay mất vệ sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến khán giả, nhất là trẻ em. Cùng với đời tư ồn ào, thói quen tiêu xài xa hoa đã khiến cho tài năng của Atkinson ngày càng bị đem ra soi xét và nghi ngờ liệu những gì ông có được phải chăng chỉ là cú ăn may, không hơn không kém.
Dẫu vậy, vẫn có người nhìn nhận ông là một tài năng, bởi chẳng ai có thể "ăn may" suốt mấy chục năm như vậy. Thế giới cũng không thiếu người tài để cho một kẻ "kém tài" dẫn dắt hay thống lĩnh lĩnh vực hài vốn dĩ thuộc về những người được cho là rất thông minh mới có thể chọc cười thiên hạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận