23/12/2003 19:25 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế Thành phố HCM năm 2003 đạt 11,2%

Theo VNN
Theo VNN

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.HCM tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 15 khóa VII, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2003 đều đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm cuối của kế hoạch 5 năm 2001-2005.

Kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng

Tình hình kinh tế - xã hội TP năm 2003 được đánh giá đã duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, đạt 11,2%. Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, năm 2000: 9%, 2001: 9,5%, 2002: 10,2%. Theo đó, GDP trên địa bàn tăng 11,2%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt 9,6% (các ngành chịu ảnh hưởng nặng của dịch SARS như du lịch, hàng không… đã được phục hồi và có đà phát triển khá nhanh trong những tháng cuối năm), xuất khẩu tăng 13,7%, giá trị công nghiệp tăng 15,3%, trong đó cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp có xu hướng tăng dần tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Riêng khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, tăng 17,6% so với cùng kỳ và chiếm gần 28% giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, theo nhận định của UBND TP.HCM, nổi bật trong năm 2003 là nông nghiệp có mức tăng trưởng khá cao 9,1%, so với kế hoạch là 4,5%, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo chương trình phát triển “2 cây - 2 con”, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống nông thôn TP.

Đa dạng hóa các nguồn huy động vốn

Về huy động vốn cho ngân sánh, thu ngân sách trên địa bàn TP tăng 8,7%, nổi bật là nguồn thu nội địa vượt 9% dự toán, tăng 17,9%, nhiều đại biểu đánh giá đây là nhân tố tích cực để đảm bảo nguồn chi cho ngân sách địa phương. Năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 36.000 tỷ đồng (kế hoạch đề ra là 35.500 tỷ đồng). Đáng chú ý, nguồn vốn trong nước chiếm 78%, trong đó khu vực tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn, từ 36,6% năm 2001 đến năm 2003 lên 40,7%.

Lần đầu tiên thành phố phát hành trái phiếu đô thị để huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng đạt 2000 tỷ đồng. Theo nhận định chung, kế quả này cũng mở ra một triển vọng đa dạng hóa các nguồn huy động vốn đầu tư cho ngân sách, ngoài việc cân đối các khoản thu từ thuế và phí. Song song đó, các mục tiêu xã hội đều đạt được những kết quả tích cực như tạo được 70.000 chỗ làm mới, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị, tập trung quản lý giáo dục 30.000 đối tượng nghiện, năm 2003 thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.

Quản lý đô thị còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, về mặt quản lý đô thị, theo ông Lê Thanh Hải vẫn còn bộc lộ sự bất cập so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. Đáng chú ý là chất lượng các công trình xây dựng qua thanh tra cho thấy hầu như nơi nào cũng vi phạm về chất lượng xây dựng. Năng lực của các ban quản lý dự án yếu kém cả về trình độ quản lý và phẩm chất của một bộ phận cán bộ. Đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát năng lực cũng nằm trong tình trạng tương tự nên dự án đầu tư dự toán, thiết kế kỹ thuật phải bổ sung, chỉnh sửa, làm đi làm lại nhiều lần.

Nhiều công trình đầu tư cầu đường có tiến độ triển khai rất chậm, như mở rộng các nút gia thông, xây dựng cầu vượt, xây dựng và mở rộng một số tuyến đường trọng điểm như đường Bắc Nam, cầu đường Nguyễn Văn Cừ… đã ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông đô thị. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, đến nay mới cấp được 192.780 giấy chứng nhận, trong khi đó kế hoạch đề ra số lượng nhà phải cấp khoảng 570.000 căn.

Phấn đấu mức tăng trưởng GDP từ 11,2% đến 12%

Trong những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố năm 2004, ông Lê Thanh Hải cho rằng, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 11,2% đến 12% và giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội. Cần tập trung phát triển dịch vụ - thương mại, để có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng công nghiệp đi đôi với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế công nghiệp, phát triển nông nghiệp và nông thôn thành phố. Cần thực hiện đồng bộ và đúng tiến độ 12 chương trình, công trình trọng điểm, triển khai 16 chương trình, mục tiêu phát triển các ngành kinh tế chủ lực.

Tăng cường và củng cố toàn diện về mặt quản lý đô thị, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường và củng cố bộ máy chính quyền các cấp, giải quyết tốt việc khiếu nại tố cáo… Để thực hiện những mục tiêu này, TP cũng đề ra 9 giải pháp, trong đó nhấn mạnh phải tổ chức xây dựng hoàn thành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với các khu đã đô thị hóa ở các quận, huyện… Hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, gắn liền với việc phát triển công nghiệp của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phân cấp cho các quận huyện, xác định rõ hơn trách nhiệm trong việc cấp phép xây dựng nhà ở và quản lý xây dựng. Tập trung triển khai thực hiện 16 chương trình, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các công trình giao thông trọng điểm bức bách, chống ngập nước, xử lý rác, xe buýt, đưa Nhà máy nước sông Sài Gòn giai đoạn 1 (300.000 m3) vào khai thác…

Theo VNN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên