18/12/2003 06:03 GMT+7

Thoàn mồ côi và giấc mơ "ông giáo làng"

HỒ VĂN - QUANG VINH
HỒ VĂN - QUANG VINH

TT - Lọt lòng mẹ đã không thấy mặt cha, lên chín tuổi người mẹ cũng ra đi sau một cơn bạo bệnh. Tủi phận mồ côi suốt những năm tháng học ở trường làng, nhưng Võ Văn Thoàn (ấp 5, xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang) đã vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, để bước chân vào giảng đường đại học, thực hiện ước mơ trở thành “ông giáo làng”.

HNuAXY4A.jpgPhóng to
Võ Văn Thoàn đang chuẩn bị cho bữa ăn đạm bạc của mình
TT - Lọt lòng mẹ đã không thấy mặt cha, lên chín tuổi người mẹ cũng ra đi sau một cơn bạo bệnh. Tủi phận mồ côi suốt những năm tháng học ở trường làng, nhưng Võ Văn Thoàn (ấp 5, xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang) đã vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, để bước chân vào giảng đường đại học, thực hiện ước mơ trở thành “ông giáo làng”.

Cung đường vượt khó

Ngày mà Thoàn nhận giấy báo trúng tuyển vào cao đẳng tiểu học, Trường ĐH An Giang cũng là ngày ông bà ngoại Thoàn giấu những giọt lệ sau nét mặt tự hào. “Bà ngoại thì cười đến rơi nước mắt, ông ngoại thì cứ vào ra bần thần, lâu lâu lại thở dài khiến em chẳng dám hỏi điều gì” - Thoàn nói.

Rồi Thoàn kể tiếp: “Tối đó khi nhà đã vắng khách tới mừng, ông ngoại mới gọi em với bà ngoại vào rồi bảo với bà ngoại: “Nhà mình đến cái ăn còn chưa đủ, lấy đâu tiền cho thằng Thoàn đi học đây. Nhưng để nó nghỉ học là tôi với bà có tội lớn với mẹ nó”, nói rồi ông nhìn em mắt đỏ hoe, đó là lần đầu tiên em thấy ông khóc.

Đêm đó ông bà ngoại thức trắng, còn em thì cứ ân hận nghĩ giá như mình đừng đi thi thì ông bà ngoại đâu có khổ như thế. Em định sáng ra sẽ xin ông bà ngoại ở nhà không đi học để khỏi trở thành gánh nặng cho ông bà, nhưng chưa kịp nói thì dì Suối tới nhà rồi đi thẳng vào phòng ông bà ngoại.

Lát sau thấy ông ngoại đi ra nét mặt hớn hở rồi bảo em: “Ngày mai cháu cứ lên trường nhập học, ở nhà đã có ông bà và dì mày lo, không được nghĩ đến chuyện bỏ học nghe chưa”. Thì ra dì đã bàn với ông bà là mỗi tháng dì chu cấp 200.00 đồng, còn ông bà lo 100.000 đồng để nuôi em ăn học, nhờ vậy mà em mới được ngồi trên ghế giảng đường cho đến bây giờ”.

Thiếu cha, mất mẹ, tuổi thơ của cậu bé Thoàn là những ngày cơ cực sống cùng ông bà ngoại. Ngắt từng cọng rau, mót từng hạt lúa, hai tấm thân già (tuổi ngoài lục tuần) vẫn quyết tâm cho cháu đến trường. Năm lên cấp II, đôi chân nhỏ bé của Thoàn phải cuốc bộ gần năm cây số để đến trường.

Ngoài việc học, Thoàn còn lên rẫy xuống ruộng giúp ông bà ngoại đỡ phần nặng nhọc. Thoàn nhớ lại: “Vào mùa lũ, đường đến trường ngập và lầy lội, đến được lớp học thì áo quần và sách vở ướt hết. Ngồi học vừa đói vừa lạnh nhưng phải ráng vượt qua để ông bà được vui. Có bữa nước lớn, ông ngoại phải đến tận trường đón về”.

Với ý chí kiên cường của một cậu bé sớm mang phận mồ côi, Thoàn cũng vượt qua tất cả và tiếp tục thi đậu vào Trường THPT Quốc Thái (xã Quốc Thái, huyện An Phú). Để khích lệ Thoàn phấn đấu trong học tập, mỗi ngày ông ngoại cho Thoàn 2.000 đồng ăn sáng mà đến trường. “Nhưng em không ăn sáng mà để dành đến tháng đóng tiền học thêm Anh văn vì em học yếu môn này” - Thoàn nói.

“Mong gặp ba trong ngày tốt nghiệp”

Bước chân vào giảng đường đại học với bao bộn bề lo nghĩ, nào là tiền thuê nhà, tiền ăn, học phí khiến Thoàn mất cả tự tin trong năm học đầu nên học lực chỉ xếp ở mức trung bình. “Nhìn các bạn trong lớp lên nhận học bổng học tập, học bổng “Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi Trẻ, em quyết tâm phải cố gắng học tốt những năm tiếp theo để ông bà ngoại khỏi buồn và để... được nhận học bổng đặng có tiền trang trải mọi chi phí” - Thoàn nói.

Và với điểm tổng kết của năm thứ hai là 8,0 Thoàn đã có tên trong danh sách nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi Trẻ lần 168. Nhưng để đạt được kết quả học tập đó, Thoàn đã trải qua hàng trăm khó khăn không dễ vượt qua của một sinh viên nghèo.

Với 400.000 đồng/tháng (ông bà ngoại chu cấp 100.000 đồng, dì Suối - 200.000 đồng và 100.000 đồng trợ cấp từ nhà trường) Thoàn luôn phải sống chật vật. Tiền thuê nhà hết 65.000 đồng, chi phí cho việc học gần 200.000 đồng, còn lại 150.000 đồng là tiền ăn cho một tháng. Bởi vậy, Thoàn luôn “tuân thủ nghiêm ngặt” mỗi ngày 5.000 đồng cho hai bữa ăn.

“Cũng có bữa phải nhịn đói vì có tháng chi phí tăng đột biến, nhất là mùa thi phải dành tiền photo tài liệu” - Thoàn cười tâm sự.

Chẳng biết Thoàn nhịn đói có nhiều hay không, nhưng cô bạn cùng lớp Phạm Thị Yến Nhi cho biết: “Do ăn uống quá kham khổ và nhiều lần nhịn đói nên tháng 12-2002 Thoàn đã phải nằm viện một tuần vì chứng dau dạ dày. Cả lớp bàn nhau quyên góp giúp Thoàn, nhưng chẳng được bao nhiêu vì trước đó lớp vừa góp tiền ủng hộ một bạn sinh viên trong trường nằm viện vì chứng tai biến mạch máu não. Cuối cùng cả lớp bàn bạc đi đến thống, nhất mỗi ngày hai người mang cơm vào giúp Thoàn chống chọi với căn bệnh”.

Đầu năm 2003, sau thời gian kiến tập trở về Thoàn lại nhận được tin dì Suối lâm bệnh nặng phải vào viện. Thế là số tiền hằng tháng của Thoàn chỉ còn lại 200.000 đồng. Nhiều lần Thoàn đã nghĩ đến việc bỏ học, nhưng nhớ đến nụ cười đầy hy vọng khi tiễn Thoàn nhập học của ông bà ngoại, Thoàn lại tự nhủ phải ráng vượt qua bằng mọi cách.

Rồi mọi cố gắng cũng có kết quả, học lực của Thoàn đã đạt loại giỏi trong năm thứ hai nên được nhận thêm tiền học bổng khuyến khích học tập, giúp Thoàn trụ lại vững vàng trên ghế giảng đường.

Tháng 8-2004 Thoàn sẽ tốt nghiệp ra trường, thực hiện ước mơ trở thành “ông giáo làng” của mình. “Đến lúc đó em chỉ mong ba trở về trong ngày nhận bằng tốt nghiệp, đã từ lâu rồi em chưa được gặp ba kể từ lần gặp duy nhất vào năm học lớp 12. Nhiều lúc nhìn bạn bè vui mừng đón người nhà lên thăm thấy mà tủi thân, chẳng biết ba có về hay không” - Thoàn nói như muốn khóc.

HỒ VĂN - QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên