Giới chức Ấn Độ đang điều tra khả năng một trong hai phi công đã chủ động ngắt nhiên liệu ngay trước tai nạn máy bay khiến 260 người thiệt mạng. Cơ trưởng Sumeet Sabharwal được cho là từng có dấu hiệu trầm cảm và nghỉ phép y tế, nhưng Air India khẳng định ông vẫn vượt qua đầy đủ các bài kiểm tra sức khỏe gần đây.

Chiếc máy bay Air India gặp tai nạn khiến 260 người chết.
Tai nạn máy bay bắt nguồn từ vấn đề trầm cảm?
Ngày 11-7, Cục Điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ công bố báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn thảm khốc liên quan một máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng Air India, khiến 260 người trên máy bay và dưới mặt đất thiệt mạng hồi tháng 6.
Theo đó chỉ trong vòng một giây, hai công tắc nhiên liệu của máy bay bị chuyển từ vị trí "hoạt động" sang "ngắt", đúng thời điểm máy bay đang giảm tốc độ. Đoạn ghi âm từ buồng lái ghi lại khoảnh khắc cơ phó hoảng hốt hỏi cơ trưởng vì sao lại ngắt nhiên liệu, nhưng nhận được lời phủ nhận.
Ngay sau đó, máy bay mất độ cao nhanh chóng. Dù công tắc được gạt lại về trạng thái "hoạt động" và động cơ được khởi động lại, phi hành đoàn đã phát tín hiệu khẩn cấp "Mayday", không lâu trước khi máy bay rơi.

Cơ trưởng Sumeet Sabharwal (trái) và cơ phó Clive Kunder - Ảnh: India Today
Dù báo cáo chưa nêu rõ nguyên nhân sự cố và không quy kết trách nhiệm, nhiều nguồn tin từ báo Wall Street Journal và The Telegraph cho biết chính cơ trưởng Sumeet Sabharwal là người gạt công tắc nhiên liệu. Chi tiết phù hợp với thực tế rằng ông là người duy nhất rảnh tay, vì đang giám sát, trong khi cơ phó đang điều khiển cần lái.
Ông Sabharwal, 56 tuổi, có hơn 15.600 giờ bay và được cấp phép lái nhiều dòng máy bay lớn như Boeing 787, Boeing 777 và Airbus. Ông làm việc cho Air India từ năm 1994, sống độc thân và là người chăm sóc chính cho người cha đã 90 tuổi. Sau cái chết của mẹ vào năm 2022, ông chuyển về Mumbai sống cùng cha và từng cân nhắc nghỉ hưu sớm để dành thời gian chăm sóc ông cụ.
Một số đồng nghiệp và chuyên gia hàng không cho biết ông từng có dấu hiệu trầm cảm và đã nghỉ phép y tế trong vài năm gần đây. Tuy vậy Tập đoàn Tata - công ty mẹ của Air India, khẳng định ông chưa từng xin nghỉ phép y tế gần đây. Lần nghỉ gần nhất của ông là nghỉ tang mẹ vào năm 2022. Bên cạnh đó, ông cũng vượt qua kiểm tra sức khỏe mới nhất vào ngày 5-9-2024, bao gồm cả phần đánh giá tâm lý.
Cơ trưởng Air India bị nghi tắt nhiên liệu, gây tai nạn máy bay
Sau khi thông tin sơ bộ được công bố, mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông tại Ấn Độ dấy lên làn sóng đồn đoán về khả năng cơ trưởng cố ý gây tai nạn hoặc có hành vi tự sát. Nhiều thân nhân nạn nhân gọi kết luận ban đầu là "cái tát vào mặt", đặt câu hỏi vì sao "một thao tác đơn giản như gạt công tắc" lại dẫn đến thảm kịch lớn đến vậy.
Trước sức ép này, Hiệp hội Phi công Thương mại Ấn Độ (ICPA) đã lên tiếng bảo vệ phi hành đoàn, cho rằng họ "đã hành động đúng trách nhiệm trong điều kiện đầy thách thức". ICPA cảnh báo các cáo buộc về hành vi tự tử là "vô căn cứ, vô trách nhiệm và làm tổn hại đến phẩm giá nghề nghiệp".
Hiệp hội Phi công Hàng không Ấn Độ (ALPA) cũng bày tỏ lo ngại về hướng điều tra, cho rằng nó đang bị dẫn dắt theo giả định phi công có lỗi. ALPA kêu gọi được tham gia vào quá trình điều tra với vai trò quan sát viên để đảm bảo tính minh bạch.
Cuộc điều tra vẫn chưa có kết luận chính thức
Hiện tại các điều tra viên Ấn Độ vẫn tiếp tục rà soát hộp đen, phỏng vấn nhân chứng và phân tích dữ liệu chuyến bay. Đồng thời Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cũng tiến hành điều tra song song do máy bay được sản xuất tại Mỹ.
Đại diện Air India kêu gọi truyền thông và dư luận không đưa ra suy đoán trước khi có kết luận cuối cùng. "Cuộc điều tra còn lâu mới kết thúc. Bất kỳ phán đoán sớm nào cũng có thể gây tổn hại cho gia đình phi hành đoàn và nạn nhân", CEO Air India nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận