Túi mật, hình quả lê, khép nép bên dưới gã đồng sự to xác là gan; có chức trách khiêm tốn là túi lưu tạm và cô đặc dịch mật trước khi đổ vào tá tràng/ruột non.
Như chưa từng có cuộc chia ly
Nếu túi mật bị cắt bỏ, tình hình vùng vịnh sẽ rất căng? Xin thưa, không có gì cả, dịch mật từ gan cứ thế đổ thẳng vào ruột như “chưa từng có cuộc chia ly”! Điều này có phải giải thích việc túi mật được xem như “con bệnh”, nhận chỉ định từ bác sĩ phải cắt bỏ là khá rộng tay hay không?
Còn nước còn tát, hay đêm dài lắm mộng?
Sách chỉ rõ, chỉ định cắt túi mật dành cho các trường hợp viêm cấp hoặc mạn, sỏi to gây đau, tắt đường mật, viêm teo túi mật, polip to dọa ung thư, ung thư túi mật... Rõ là vẫn có ý “còn nước còn tát”, nhưng dù gì, bàng bạc trong các quyết định này là ý tránh “đêm dài lắm mộng”.
Phải “hy sinh” để cứu thiên hạ?
Chọn sỏi mật, oan cừu số một khiến túi mật phải lên “đoạn đầu đài”. Người ta cho rằng, xét diễn tiến, không cần thiết cắt túi mật phòng ngừa, trừ trường hợp sỏi to >25mm, lượng sỏi >2/3 túi mật, sỏi kết hợp polyp >10mm, túi mật sứ (vôi hóa), là những yếu tố tiềm ẩn ung thư cao.
Muốn giữ túi mật thì đừng mắc sỏi mật
Cực đoan, nhưng có ý thể hiện rõ cảnh ngặt giữa sỏi mật và túi mật: “mắc sỏi mật chỉ còn nước cắt túi mật; nên muốn giữ túi mật thì đừng để mắc sỏi mật”. Nhắc lại cực đoan, nhưng không phải không có lý.
Thu xếp ổn “hậu sự”
Thực tế, chỉ định cắt túi mật nới tay, gần như không gây một hối tiếc nào cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Thế nên, chuyện cần kíp hơn với người bệnh là thu xếp ổn phần “hậu sự” sau cắt túi mật.
Lọng cọng ban đầu
Như đã tả, không mợ chợ vẫn đông, dịch mật vẫn được giao nguyên đai nguyên kiện cho đường ruột, đảm đương việc tiêu hóa chất béo, thuần hóa vitamin.
Những lọng cọng tiêu hóa ban đầu, tất sẽ có, sẽ qua nhanh; khi cơ thể dần thích nghi, thì trật tự vãn hồi gần như 100%. Tuy vậy, vẫn có 5-40% người bệnh tiếp tục ể mình với “hội chứng sau cắt túi mật”, mà bệnh tình gần như y xì như hồi túi mật thập tử nhất sinh.
PCS - hồi mã thương của túi mật
Nguồn cơn hội chứng sau cắt túi mật/postcholecystectomy syndrome/PCS, 50% nằm tại đường mật (sót sỏi, sỏi tái phát, tổn thương đường mật, mất nhu động, giãn ống mật chủ...), hoặc ngoài đường mật (viêm dạ dày, viêm tụy do tràn dịch mật, rối loạn vận động đường mật và cơ vòng oddi...). PCS được chẩn đoán dựa vào nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), và tùy tình hình mà bệnh nhân có phải lên bàn mổ lần 2 hay không, chẳng hạn vét sỏi tồn, chỉnh cơ vòng oddi...
Thác là thể phách, còn là tinh anh
Nhận ra trong các nghiệp chướng chưa qua, có cái tên “sót sỏi” và/hoặc sỏi tái phát. Cớ gì, túi mật hết đời vì sỏi mà vẫn còn sót sỏi và sỏi mới tạo ở đâu ra? Sỏi sót từ ca phẫu thuật non tay trước đó, còn sỏi mới là từ chệch choạc của dịch mật (cholesterol, sắc tố, giun, kém vệ sinh) chưa được giải quyết rốt ráo. Sỏi mới ra lò, không phải ở túi mật mà là ở ống mật chủ, ống mật trong gan...
Mổ nội soi xuất viện vài ngày
Vị trí thuận lợi, khiến cắt túi mật gần như khó thoát khỏi tay phẫu thuật nội soi, trừ một số trường hợp phải mổ hở.
Việc còn lại cần làm của người bệnh chỉ là tạo điều kiện cho cơ thể thích nghi dần trạng thái “bình thường mới” không có túi mật, với thực đơn dễ tiêu, hạn chế mỡ dầu, đồ chiên rán... vừa ăn vừa thăm dò, nếu ổn, tái lập chế độ ăn bình thường. Tiếp tục theo dõi PCS, kể cả trong ít năm tới.
Sỏi mật, ba mươi chưa phải là tết
Ba mươi chưa phải là tết, việc phòng ngừa sỏi mật vẫn phải nghiêm túc hệt như lúc túi mật còn tại vị, gồm ăn chín uống sôi, tẩy giun 6 tháng một lần (phòng sỏi sắc tố...), giảm béo phì, ăn nhiều chất xơ, đậu, lạc, mè; hạn chế cà phê, thuốc lá, đồ ngọt (phòng sỏi cholesterol).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận