Sáng ngày 15-6, nhà sản xuất kiêm phát hành hai bộ phim Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh đã phát đi thông báo chính thức rút bộ bản phim Trịnh Công Sơn (dài 95 phút) khỏi hệ thống rạp chiếu.
Theo đó, bộ phim về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ không còn xuất hiện trên màn ảnh rộng từ ngày 17-6 tới đây. Điều đáng chú ý hơn, thời điểm dừng chiếu phim Trịnh Công Sơn cũng là ngày chính thức phát hành hai bộ phim về nhạc sĩ nổi tiếng này.
Theo lý giải từ đơn vị phát hành, phản hồi của khán giả về bộ phim hoàn toàn đi ngược với dự đoán khi quyết định tung hai bản phim về Trịnh ra rạp cùng thời điểm. Chỉ tính về doanh thu bán vé, bản phim về Trịnh Công Sơn chưa bằng 10% doanh thu phim Em và Trịnh sau tuần chiếu sớm (từ 10 đến 15-6).
Tính đến ngày 15-6, doanh thu của Trịnh Công Sơn chỉ xấp xỉ 1,7 tỷ đồng trong khi đó, bản phim Em và Trịnh đã vượt mốc 25 tỷ đồng sau chưa đầy một tuần mở suất chiếu sớm.
Theo nhận định của phần lớn khán giả, quyết định rút phim Trịnh Công Sơn khỏi rạp chiếu là hợp lý vì nhiều lẽ. Còn riêng với đơn vị phát hành và sản xuất phim, việc rút phim cũng là quyết định có tính toán hợp lý, đúng bài toán kinh tế thị trường và cho thấy không phải quyết định đột phá nào cũng phù hợp với thị hiếu.
Sau suất chiếu mở màn (sneak-show) vào ngày 7-6, phần đông nhận định của khán giả xem phim tỏ ra hụt hẫng với bản phim về Trịnh. Với thời lượng chỉ hơn 90 phút, bộ phim bị cho là lát cắt hời hợt, méo mó, chưa phác họa đúng chân dung người nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của làng nhạc Việt.
Trước đó, thông tin phát hành hai bản phim về Trịnh cùng một ngày từ phía đơn vị sản xuất tạo được sự chú ý lớn của dư luận. Bên cạnh sự dám liều lĩnh chọn lối đi mới lạ thì việc có đến hai bản phim dựa trên tư liệu sản xuất có sẵn được xem là cách làm thông minh của đơn vị sản xuất.
Lí do của quyết định này từng được ông Lương Công Hiếu, đại diện đơn vị sản xuất, chia sẻ: "Từ dữ liệu hơn 1.000 giờ quay được thực hiện trong gần 2 năm trời, họ "phát hiện ra, có đến 2 câu chuyện, 2 góc nhìn khác biệt về người nghệ sĩ, mà khía cạnh nào cũng đặc biệt thú vị”.
Tuy nhiên, khi phim ra rạp khán giả lại có những phản hồi đầy tranh cãi. Dù được giới thiệu là hai bộ phim độc lập từ góc nhìn đến chất liệu về Trịnh thì ở cả hai bản phim, đều có chung mở đầu và kết thúc. Thậm chí các ca khúc sử dụng trong hai phim cũng không có gì khác biệt.
Những tình tiết, bối cảnh và sự kiện lớn trong đời nhạc sĩ Diễm xưa gần như không có khác biệt. Có chăng, ở bản phim Trịnh Công Sơn có một số tình tiết về cuộc đời và không có sự xuất hiện của nàng thơ người Nhật cũng như một số diễn tiến về Khánh Ly, Dao Anh ở tuổi trung niên.
Đặc biệt, cách kết thúc ở bản phim Trịnh Công Sơn làm người xem không thể hình dung trọn vẹn về triết lý âm nhạc, đời sống tinh thần phong phú của Trịnh gây tiếc nuối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận