Thứ Sáu tuần qua, tại Laval, Quebec, một trụ điện thoại đã bốc cháy. Đám cháy buộc 20 người sống gần đó phải sơ tán.
3 ngày sau, hai vụ hỏa hoạn khác xảy ra tại hai thị trấn lân cận, cách nhau 20 phút. Ngày hôm sau, lại một trụ 5G khác nữa bị bắt hỏa.
Sang sáng sớm thứ Năm, thêm hai trụ 5G nữa bắt cháy, tại St-Jerome và Blainville. Cảnh sát Quebec đã tóm một cặp nam nữ ở một thị trấn gần đó nhưng vẫn chưa đưa ra cáo buộc nào.
“Cặp đôi hoàn cảnh” này dính líu tới các đám cháy xảy ra những ngày qua,” cảnh sát cấp tỉnh Quebec thông báo trên Twitter. “Cả hai sẽ bị thẩm vấn.”
Phát ngôn viên cảnh sát Marc Tressier nói với VICE hôm thứ Tư rằng các điều tra viên đã quyết rằng các đám cháy vừa xảy ra có tính chất tội phạm, và họ đang tìm hiểu thêm liệu chúng có liên quan tới các thuyết âm mưu về 5G hay không.
Thuyết âm mưu 5G đương nhiên là một phần trong công cuộc điều tra, Tressier khẳng định.
Như một cột thu lôi, trụ viễn thông 5G đã trở thành một đối tượng ưa thích của các chủ thuyết gia âm mưu trong đại dịch. Họ, người gieo thuyết âm mưu, tin rằng sóng phát ra từ 5G khiến con người đổ bệnh, bằng cách biến đổi DNA hoặc làm giảm khả năng của hệ miễn dịch – và do đó khiến chúng ta dễ dàng nhiễm virus corona hơn.
Chỉ riêng ở nước Anh, hơn 50 trụ 5G đã bay theo bà hỏa – nhiều vụ trong số này được nhà chức trách cho rằng do các chủ thuyết gia âm mưu thực hiện, vì sợ rằng họ và gia đình họ đang bị đe dọa mạng sống. Ở Hà Lan, dòng chữ “Fuck 5G” xuất hiện bên cạnh một trụ 5G khác, cũng “hành trang” đi theo bà hỏa.
WHO là một trong những đơn vị kiên quyết và… kiên trì giải thích hết lần này tới lần khác, và trên trang web chính thức, “mạng di động 5G KHÔNG gây lây lan covid-19. Virus không thể di chuyển bằng sóng vô tuyến/sóng điện thoại. Covid-19 đang lây lan ở nhiều quốc gia vốn chẳng hề có mạng 5G.”
Ấy vậy mà những thuyết âm mưu như vậy vẫn càn quét qua khắp mọi nơi, các video về tai hại của 5G và cố tình gán nó với virus corona đã được hàng triệu tới chục triệu view chỉ tính từ đầu năm; và có cả bác sĩ và người nổi tiếng, nghệ sĩ gia nhập vào đạo quân tin vịt này.
BS Stephen Lewandowsky, chủ tịch môn tâm lý nhận thức ĐH Bristol, cho rằng điều quan trọng là chớ có cười khoái trá trước những ý tưởng nghe chừng điên khùng.
“Chúng không dừng lại ở chỗ là những thứ giải trí vô hại, mà chúng còn có hệ quả nghiêm trọng kéo theo sau,” BS Lewandowsky cho biết. “Khi các thuyết âm mưu vươn tới thời điểm mà người ta bắt đầu đốt các trụ 5G, rõ ràng nó đã gây ra một tác dụng phụ nghiêm trọng đối với xã hội.”
Kể cả với Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, ta cũng có thể tìm thấy dấu vết những người kết tội… “sóng vô tuyến” là thủ phạm gây ra đại dịch, cho dù công nghệ này chưa hề phổ biến cho tới tận sau đại dịch.
“Khi con người cảm thấy đánh mất kiểm soát, họ sẽ tìm tới thuyết âm mưu. Việc làm này mang lại một sự an ủi tâm lý, khi nghĩ rằng những kẻ xấu ngoài kia là thủ phạm của những gì đang xảy ra,” BS Lewandowsky nói thêm.
Đã vậy, hai công ty viễn thông sở hữu và vận hành các trụ bị đốt cháy tại Quebec nói với VICE rằng chúng chỉ 4G hay 3G, chưa phải 5G. Nhiều trụ bị đốt đi vì người dân nhầm lẫn chúng là trụ 5G (chắc do thiếu tìm hiểu, hoặc chưa kịp tới… trường thì đã xảy ra phong tỏa!)
Bộ trưởng Công nghiệp Navdeep Bains viết trên Twitter: “Những hành động phạm pháp này hoàn toàn không thể chấp nhận, và còn đe dọa tới các dịch vụ cấp cứu.”
Youtube và Facebook, vốn là mảnh đất màu mỡ cho thuyết âm mưu, đã thẳng tay hơn trước thuyết âm mưu 5G. Dù vậy, chỉ cần một cú click chuột, các trang thuyết âm mưu đã có thể tiếp cận. Một người trong một video Youtube xanh rờn khẳng định, “Đừng có mở điện thoại, kẻo bị những trụ 5G chết chóc kia kiểm soát…”
Khi đề cao tự do cá nhân tiệm cận tuyệt đối, dường như thế giới phương Tây – ít ra vào thời điểm đại dịch này – dường như phải đánh vật với khả năng nhận thức của mình. Kết quả là những gì chúng ta đang, và sẽ thấy trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận