Nói lời xin lỗi không phải là một điều dễ dàng với nhiều người, nhất là một ai đó sở hữu cái tôi quá lớn. Thậm chí, một lời xin lỗi chân thành, "thật" từ tâm để thừa nhận sai phạm đã gây ra với "nạn nhân" càng khó hơn bao giờ hết.
Hãy cùng tham khảo một số dấu hiệu một lời xin lỗi liệu có chân thành hay không theo những cách dưới đây:
Lời xin lỗi chứa từ "nhưng" hoặc "nếu"
Theo các nhà tâm lý học, lời xin lỗi được tiếp tục bằng những từ như "nếu" hay "nhưng" thì đó là một trong những dấu hiệu của một lời xin lỗi không chân thành.
Với từ "nhưng", lời xin lỗi sẽ bị mất đi hiệu quả thực. Trong khi đó, từ "nếu" sẽ dẫn dắt câu chuyện rẽ hướng khác, lỗi lầm không phải do họ gây ra, mà bởi một lý do nào đấy.
Lời xin lỗi hoa mỹ, quá nhiều từ
Lời xin lỗi dài dòng với hàng loạt giải thích, chi tiết đích thực là một lời xin lỗi giả tạo. Chính những lời xin lỗi này sẽ phần nào che giấu cảm xúc thật của họ mà thôi. Thực tế, lời xin lỗi xuất phát từ trái tim rất ngắn gọn, không cần quá nhiều câu chữ.
Lời xin lỗi chứa đựng nhiều yếu tố thụ động
Cụm từ như "bị ảnh hưởng" thực ra là một cách để trốn tránh trách nhiệm trực tiếp. Đây là một cách nói bao gồm yếu tố thụ động để "bào chữa" cho hành động lỗi lầm của mình. Thay vào đó, cụm từ "đã mắc sai lầm" được xem là cách nhận lỗi chân thành hơn khi chủ động đề cập đến vấn đề.
"Người ta bảo tôi phải xin lỗi"
Đây là một trong những lời xin lỗi thiếu chân thành nhất nếu bạn có cơ hội trải nghiệm. Theo đó, lời xin lỗi này không đến từ ý định của bản thân mà bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh khác. Đừng vội quá tin vào lời xin lỗi này để rồi xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc, khó xử khác nhé!
Lời xin lỗi "vòng vo Tam quốc"
Dan Neuharth - chuyên gia tâm lý học người Mỹ nhận định rằng, một số cụm từ này sẽ giúp chúng ta phát hiện lời xin lỗi thiếu chân thành, gồm:
- Bạn biết đấy, tôi không có cố ý.
- Tôi đã xin lỗi rồi mà!
- Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy như vậy.
- Tôi đoán tôi nên xin lỗi.
- Được rồi, tôi xin lỗi.
Lời xin lỗi không kèm theo hành động
Dù đã cố gắng mở miệng ra nói lời xin lỗi, thế nhưng có thực sự chân thành hay không sẽ do hành động sau đó quyết định một phần. Hành động này có thể bù đắp ít nhiều những tổn thương đã gây ra trước đó. Hãy biến lời nói thành hành động, đảm bảo rằng sai phạm này không xảy ra nữa. Đó mới là điều khiến bạn trở thành một người xin lỗi đáng tin cậy, nếu bản thân thực sự muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận