* Chào Đức Tuấn, điều gì cho anh nguồn cảm hứng để thực hiện đến hai chương trình cùng lúc trong những ngày cách ly xã hội – vốn mang đến nhiều uể oải hơn là hứng khởi?
- Hơn lúc nào hết, trong những giai đoạn khó khăn thế này, nghệ sĩ phải chính là những người giữ được tinh thần lạc quan và mang đến những cảm hứng tốt đẹp cho công chúng. Như vậy mới gọi là hoàn thành trách nhiệm của một nghệ sĩ.
Thú thật, buổi livestream đầu tiên (21-3) cũng chỉ là một chương trình… tự phát, không có kế hoạch hay ý định gì to tát cả. Như mọi người cũng biết, dù đến ngày 28-3, cả nước mới bước vào những ngày cách ly xã hội. Nhưng trước đó, ở tuần lễ của ngày 21-3 đã có quy định đóng cửa các bar, club, rạp chiếu phim… Nói chung là những dịch vụ vui chơi, giải trí phải tạm đóng hết. Thấy khán giả của mình có vẻ “tâm trạng” và bản thân tôi từ Tết đến thời điểm đó cũng ít có cơ hội gặp gỡ khán giả của mình nên tôi nghĩ hay là mình livestream một buổi để giao lưu, trò chuyện, hỏi han, động viên fans. Vậy là buổi livestream đầu tiên đã ra đời lấy tên gọi Cùng ở nhà thứ 7 nhằm kêu gọi mọi người không ra đường, “chịu khó” ở nhà trong thời điểm dịch bệnh có những chuyển biến phức tạp.
Sau buổi livestream đó, không ngờ lượt xem lẫn phản hồi lại rất tốt, rồi lại có yêu cầu cách ly xã hội nên tôi lại muốn gặp lại khán giả của mình để chia sẻ, động viên. Vậy là buổi livestream thứ hai (25-3) đã diễn ra với tên gọi Hát cho những ai ở trong nhà.
Cả hai buổi livestream này đều không nằm trong kế hoạch công việc trong năm của tôi, là tự phát nên tôi cũng hát những ca khúc theo yêu cầu của khán giả là chủ yếu. Dẫu vậy, cả tôi và khán giả của mình đều cảm thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn, lạc quan hơn sau mỗi buổi livestream nên tôi đã quyết định thực hiện đều đặn mỗi tuần vào thứ 4 và thứ 7. Đến đêm livestream thứ 10 (22-4) thì cũng vừa hết cách ly.
* Anh vốn là một ca sĩ rất kỹ tính, cầu toàn trong từng sản phẩm âm nhạc. Những sản phẩm âm nhạc của anh thời gian qua phải nói là rất cầu kỳ, tốn kém. Trong khi đó, livestream để hát thì mọi thức lại có vẻ giản tiện, có cái gì đó “sai sai” với phong cách của anh lâu nay.
- Đúng là tôi luôn chỉn chu, cầu toàn trong từng sản phẩm âm nhạc của mình. Đó là sự tôn trọng và tình cảm mà tôi dành cho công chúng. Tuy nhiên trong cuộc sống cũng phải biết “ăn theo thuở, ở theo thì”. Trong hoàn cảnh dịch bệnh như vậy, livestream là cách duy nhất để những người nghệ sĩ chúng tôi có thể gặp gỡ, tâm tình với khán giả của mình.
Tôi hoàn toàn có thể hát với ban nhạc sống, dựng một sân khấu, làm cho mọi thứ sang trọng và lung linh… Nhưng tôi nghĩ, chúng ta đang cách ly xã hội mà, không nên tụ tập, không nên rình rang. Tâm trạng ai cũng nặng trĩu, thôi thì cứ làm gì nhẹ nhàng nhất. Vậy nên tôi đã định hình buổi livestream của mình là cuộc trò chuyện thân mật chứ không phải một show diễn. Tôi tâm tình cùng khán giả, lắng nghe những chia sẻ của họ và hát. Có khi tôi hát với nhạc thu sẵn, cũng có khi hát “chay”, không kỹ xảo hay hiệu ứng gì. Còn nếu bạn cần âm thanh, ánh sáng hoàn hảo, sân khấu hoành tráng thì khi cuộc sống trở lại “bình thường”, tôi sẽ lại mang đến cho bạn nhũng show diễn như thế.
* Cùng ở nhà thứ 7 và Hát cho những ai ở nhà ban đầu là “tự phát”, hát theo yêu cầu nhưng sau đó lại thành một chuỗi với 10 đêm có chủ đề hẳn hoi. Việc lựa chọn ca khúc, biên tập cho các chủ đề có khó khăn lắm không?
- Trong nguy lại luôn có cơ. Dù dịch bệnh, dù cách ly xã hội nhưng thời gian này cũng có nhiều “sự kiện” diễn ra khiến việc chọn lựa ca khúc hay chủ đề của tôi không có gì khó khăn cả.
Trong khoảng thời gian đó, cô Thái Thanh qua đời, rồi lại đến kỷ niệm 19 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên tôi thực hiện luôn các đêm nhạc tưởng nhớ đến những nghệ sĩ tài năng này. Rồi các đêm nhạc Phạm Duy, Dương Thụ, Phú Quang, Quốc Bảo, Trần Lê Quỳnh…
20 năm ca hát, tôi có lượng ca khúc lớn và cũng hiểu rõ “gu” thưởng thức của fans nên việc lựa chọn các chủ đề cũng như tác phẩm vì thế cũng thật nhẹ nhàng.
Clip Đức Tuấn thu âm ca khúc Ta sẽ hồi sinh
* Trong chuỗi 10 đêm livestream này, anh đã kết lại ở đêm cuối với chủ đề Ta sẽ hồi sinh, cũng là tên MV sắp ra mắt của anh. Anh có thể “bật mí” đôi chút về tác phẩm mới tinh này?
- Ta sẽ hồi sinh (tựa gốc: Rinascero, Rinascerai của tác giả Roby Facchinetti) là một ca khúc nhạc Ý, vừa ra đời ngay trong thời gian này, khi nước Ý tan hoang vì đại dịch.
Tôi rất cám ơn nhạc sĩ Hà Quang Minh, cũng là người viết lời Việt cho ca khúc này, đã gửi tác phẩm này cho tôi. Lời ca khúc thật xúc động, trong khi giai điệu lại mạnh mẽ, mang đến nhiều hi vọng. Chọn giới thiệu ca khúc này, tôi tin tưởng thế giới sẽ tái sinh trong một ngày thật gần.
* Dẫu vậy, để có thể “tái sinh”, chúng ta cũng phải có sự chuẩn bị. Anh đã chuẩn bị gì cho ngày “tái sinh”?
- Thật lòng, dù cách ly, tôi không quá uể oải trong thời gian này. Ngoài livestream trên fanpage để được gặp khán giả mỗi tuần, tôi cũng tham gia vào các thử thách tập luyện hình thể và thể lực ở nhà với những người bạn có cùng sở thích trên trang cá nhân. Với tôi, đây là thời gian để mình tạm nghỉ ngơi, trau dồi và rèn luyện những kỹ năng mà có thể trước đó dù rất muốn nhưng chưa thể thu xếp để thực hiện.
2020 là kỷ niệm 20 năm ca hát của Đức Tuấn nên tôi cũng đã có không ít kế hoạch trước đó. Vì đại dịch nên mọi thứ tạm gác lại. Nhưng khi hết dịch, các dự án sẽ cứ thế mà “chạy” thôi. Đó là album tuyển tập Lam Phương, được phát hành dưới các hình thức CD, đĩa than, nhạc số… Đó là liveshow vào cuối năm và một vài dự án nho nhỏ khác mà tôi xin được giữ cho đến ngày có thể công bố.
Sau đợt này, tôi cũng chợt nghĩ mình hoàn toàn có thể duy trì việc livestream để “gần” hơn với khán giả của mình. Đây là cách tiếp cận mới mà tôi thấy cũng rất hiệu quả cho công việc nên có thể sẽ thực hiện một tháng/lần với những chủ đề đặc sắc hơn, hình thức hấp dẫn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận