Tội danh mà hai vợ chồng người Ấn kiện vợ chồng con trai là tội “làm tổn hại tinh thần”!
Ông Sajneev Prasad, 61 tuổi và vợ Sadhana, 57 tuổi, đã đệ đơn kiện con trai duy nhất của mình là anh Shrey Sagar và vợ Shubhangi lên tòa án Ấn Độ cách đây ít ngày.
Lý do chẳng phải bởi tranh chấp tài sản hay mâu thuẫn gì khác mà lại là do anh này kết hôn từ năm 2016 đến nay mà vẫn không chịu sinh cháu cho bố mẹ mình.
Anh Shrey từng được đào tạo phi công ở Mỹ với số học phí khá lớn. Anh trở lại Ấn Độ và làm phi công vào năm 2007 khi cuộc suy thoái kinh tế khiến ngành công nghiệp bị ảnh hưởng.
Sau khi cưới, mặc dù làm cùng trong ngành hàng không và đã là vợ chồng nhưng Shrey sống tách biệt với vợ Shubhangi. Giống như phần lớn cuộc hôn nhân ở Ấn Độ khác, hôn nhân của Shrey Sagar và vợ Shubhangi được sắp đặt.
Vợ chồng ông Sajneev Prasad bỏ một số tiền lớn chi trả cho lễ cưới này. Họ tặng cho cặp đôi một chiếc Audi trị giá 64.000 USD và chi trả cho tiệc cưới sang trọng tại một khách sạn 5 sao và thậm chí còn cho luôn cả tiền để cặp vợ chồng son đến Thái Lan hưởng trăng mật.
Theo mong muốn của ông bà Sajneev Prasad thì Shrey và Shubhangi làm gì thì làm, đi đâu thì đi, sống với nhau hay không cũng tùy nhưng phải có con trong vòng 1 năm hoặc trả lại toàn bộ số tiền mà họ nuôi anh từ bé đến giờ.
Nhưng, gần 7 năm trôi qua, họ vẫn chưa được lên chức ông bà. Đợi quá lâu mà con trai không sinh cháu cho mình, vợ chồng ông Sajneev Prasad quyết đâm đơn kiện đòi toàn bộ tiền nuôi dưỡng, cưới hỏi từ bé đến lớn.
Trong đơn kiện con trai lên tòa án Ấn Độ, ông Sajneev Prasad tuyên bố rằng vợ chồng ông đã “gác lại hết các ước vọng cuộc đời để nuôi dạy con trai”. Họ đã chi 25 triệu rupee (tương đương gần 268.000 USD) cho con trai của họ kể từ khi cậu bé được sinh ra.
Bây giờ vợ chồng ông muốn trả lại chính xác số tiền tương tự và khoản tiền tương ứng bồi thường thiệt hại tinh thần. Sajneev nói với The National World: “Việc trở thành ông bà là ước mơ của mọi bậc cha mẹ.
Chúng tôi đã chờ đợi nhiều năm và cố gắng thuyết phục vợ chồng nó nhưng chúng không để ý gì đến mong muốn của bố mẹ. Chúng tôi rất đau lòng vì có thể sẽ chết trước khi gặp cháu nội mình”.
Đơn tố cáo được đệ trình lên Tòa án quận Haridwar (Ấn Độ) được liệt vào danh sách tố cáo tội “quấy rối và gây đau đớn về tinh thần”. Về mặt pháp lý, nó được dán nhãn là một vụ “bạo lực gia đình” và sẽ được tòa án phía Bắc ở Ấn Độ đưa ra xét xử vào ngày 17-5.
Ấn Độ có truyền thống sinh sống nhiều thế hệ với nhau. Đôi khi là tam, thậm chí tứ đại đồng đường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đã thay đổi. Các cặp vợ chồng trẻ thích tách riêng sống độc lập, hưởng thụ cuộc đời mình hơn là việc sinh con và sống chung trong gia đình lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận