
Có ai ngờ, tan làm sớm hơn một phút cũng trở thành lý do để bị đuổi việc - Ảnh minh họa
Cô Vương làm việc cho một công ty ở Tăng Thành (Quảng Châu, Trung Quốc) được 3 năm. Cách đây không lâu, cô bị đuổi việc vì tan làm sớm hơn giờ quy định.
Theo những ảnh chụp màn hình video, là bằng chứng vi phạm của cô Vương cho thấy, nữ nhân viên này đã về sớm hơn một phút trong 6 ngày của năm 2024.
Bị đuổi việc sai luật là kiện luôn!
Chuyện này khiến nữ lao động cảm thấy bất bình. Cô Vương không đồng tình với hình thức xử lý trên, nên đã đệ đơn yêu cầu phía ủy ban trọng tài tranh chấp lao động can thiệp, đồng thời gửi đơn kiện lên cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Bị đuổi việc mà không có bất kỳ hình thức cảnh báo trước đó khiến nhiều người lao động cảm thấy hoang mang - Ảnh minh họa
Theo phán quyết của tòa, việc rời khỏi văn phòng sớm hơn một phút so với quy định công ty của cô Vương là có thật. Dù vậy việc coi đó là hành động "ăn gian" giờ làm việc là không hợp lý.
Chưa kể, cô Vương cũng không nhận được bất kỳ cảnh báo nào trước khi bị đuổi việc hoặc hình thức xử phạt nào liên quan đến sai phạm trên.
Thẩm phán kết luận công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động của cô Vương trái pháp luật, buộc phải bồi thường cho nữ lao động.
Tuy nhiên trường hợp của cô Vương không phải là ví dụ quá hiếm hoi liên quan đến vấn đề bị đuổi việc trái phép hay không đúng quy trình.
Tháng 4-2023, một nữ nhân viên ở tỉnh Cam Túc bị sa thải chỉ vì trả lời tin nhắn chậm 3 phút. Theo tố cáo của người lao động, công ty đưa ra thông báo nghỉ lễ trong nhóm làm việc vào tối 4-3 và yêu cầu mọi người trả lời trước 19h30 hôm đó. Nếu không sẽ được coi là hành động thôi việc tự nguyện.
Nữ nhân viên này giải thích, ở thời điểm đó, cô đang vừa ăn tối vừa mải nói chuyện với bạn, lại hết giờ làm việc, nên không để ý tin nhắn trong nhóm chat công việc.
Đến 19h33 cô mới vội vàng đáp lời. 3h sáng hôm sau, cấp trên yêu cầu những nhân viên làm sai quy định kiểm điểm bằng văn bản. Thế nhưng lúc này cô đang ngủ nên bỏ lỡ tin nhắn. Khi đến công ty, cô bị sếp chửi mắng thậm tệ rồi đuổi việc.
Hồi tháng 1, anh Trần - làm việc cho một công ty công nghệ ở tỉnh Hồ Bắc, cũng bị đuổi việc sau khi camera công ty ghi nhận anh 5 lần rời công ty sớm một phút để đi ăn trưa, một lần tan làm sớm 11 phút.
Vụ việc cũng được anh Trần đưa ra tòa. Phía hội đồng xét xử nhận định người sử dụng lao động cần xem xét toàn cảnh như hiệu suất, thái độ công việc... thay vì "âm thầm" cộng dồn vi phạm, rồi đưa ra quyết định đuổi việc một cách thẳng thừng, không cảnh báo.
Vì vậy, tòa phán quyết công ty chấm dứt hợp đồng lao động thiếu cơ sở, trái pháp luật và phải bồi thường cho anh Trần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận