Thực hiện phương pháp tiết kiệm của chính mình từ những ngày vừa ngoài 30, bà Yoko Ogasawara chỉ tiêu trung bình 1.000 yen (khoảng 205 ngàn đồng) mỗi ngày, bằng phân nửa so với mức trung bình của người dân Nhật Bản.
Tại xứ sở mặt trời mọc, một bát mì thường được định giá ở mức 600 yen, một bát cơm donburi có giá 700 yen hoặc một chiếc vé xem phim là 1.800 yen. Một người bình thường sẽ chi tiêu trung bình khoảng 73.705 yen (khoảng 15,2 triệu đồng), còn bà chỉ tầm... 31.000 yen (hơn 6,4 triệu đồng).
Sau buổi phỏng vấn của bà Yoko được phát sóng trong chương trình chào buổi sáng của đài Fuji TV, mọi người một lần nữa được dịp giật mình trước phong cách sống tối giản của bà. Nhiều người thậm chí còn nhận xét bà sống quá tằn tiện, "làm khổ" chính bản thân mình.
Trước đây, bà từng chia sẻ bí quyết của mình trên các cuộc phỏng vấn tạp chí. Bà còn ra mắt cuốn sách hướng dẫn mọi người phương pháp tiết kiệm, theo quan điểm "trẻ sống tiết kiệm, về già an nhàn".
Bà Yoko tiết lộ những thứ có thể tiết kiệm hàng ngày chính là bữa ăn của mình. Bà thường dùng bữa với cơm chan bằng nước trà, vốn là một món ăn truyền thống của Nhật, tên gọi là ochazuke. Trước đó, bà pha trà trực tiếp trong tách thay vì ấm như mọi người. Nước trà sau đó vừa dùng để uống, vừa có thể chan vào cơm.
Thông thường, món ochazuke còn được làm từ các nguyên liệu - là món ăn thừa của ngày hôm trước, cứ thế cho vào bát cơm nóng và chan nước trà sôi vào, trộn lên và ăn.
Bà Yoko cũng chẳng tốn xu nào cho màng bọc nhựa khi tái chế hộp nhựa và các loại túi nilon mua từ cửa hàng, siêu thị. Trong khi đó, những hộp ngũ cốc giấy đã rỗng được dùng để chứa những túi nilon gấp gọn, chưa sử dụng đến.
Phương thức tái sử dụng này cũng được bà áp dụng cho quần áo cũ làm vỏ bọc ghế, hộp đựng thức ăn tại siêu thị làm túi đựng thực phẩm...
Thay vì dùng giấy đóng hộp đắt tiền, thơm nức thì bà Yoko dùng giấy vệ sinh cuộn, rẻ hơn rất nhiều nhưng có thể đáp ứng mọi nhu cầu về sử dụng giấy trong nhà. Khác với hầu như mọi người Nhật, bà dùng giấy vệ sinh trong tất cả trường hợp tại nhà mình. Mỗi lần, bà dùng đúng 1 đoạn đã cắt sẵn, dài khoảng 20cm. Như vậy, một cuộn có thể dùng được 300 lần.
Bên cạnh giấy vệ sinh, bà còn giữ lại những tờ hóa đơn để tạo thành tệp ghi chú, dành cho công việc hàng ngày. Các loại giấy quảng cáo, tờ rơi được bà Yoko thay cho khăn/tấm trải bàn. Theo bà, màu sắc rực rỡ từ chúng cũng khiến bản thân cảm thấy ăn ngon miệng hơn, dù rằng chỉ ăn cơm chan nước trà.
Những đồ dùng dạng tuýp như kem đánh răng, sữa rửa mặt sẽ được vét thành phẩm cuối cùng bằng cách cắt đôi chúng ra.
Điều quan trọng không kém nữa là vấn đề mua sắm. Bà Yoko khuyên rằng, mọi người nên đặt hạn mức số tiền cần tiêu trong 1 ngày, 1 tuần hoặc 1 lần đi chơi, mua sắm, thay vì buông tuồng mở bóp, quẹt thẻ.
Khi cần mua gì, bà sẽ ghi chú và tập hợp lại để chờ thời điểm tìm mua theo danh sách đã có. Đồng thời, khi mua sắm, bà nhắm sẵn vị trí khu vực sẽ có món hàng, thay vì la cà các quầy kệ, tránh việc mua những thứ không có trong danh sách đã lên. Và tại bước cuối cùng ở quầy thanh toán, hãy sẵn sàng trả lại 1 món bất kỳ trong giỏ hàng, giảm bớt một món tiền nho nhỏ.
Bà mách nhỏ, bạn có thể kẹp sẵn một khoản tiền nhỏ riêng ra, tránh tiêu phạm vào tài khoản. Hoặc hãy chuyển một số tiền nhất định, dành riêng cho việc mua sắm đến một thẻ thanh toán và dùng thẻ đó để chi tiêu.
Một điều thú vị nho nhỏ khác là trong nhà bà Yoko không dùng tới các hũ đựng gia vị. Bà sử dụng những gói gia vị hoặc nước sốt miễn phí trong các nhà hàng hoặc tận dụng chúng khi ăn các món mì gói, natto.
Việc tiết kiệm này được bà Yoko duy trì suốt 40 năm. Số tiền dành dụm được, bà dùng để làm những điều mình thích hoặc đi du lịch nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận