Các công ty môi giới hôn nhân Hàn Quốc rất thường đăng tải trên mạng những hình ảnh, video về các "cô dâu tương lai" đến từ nhiều quốc gia, để giới thiệu với những chàng rể xứ này một cách trực diện nhất. Thế nhưng, việc đặt tiêu đề và phần mô tả luôn luôn khiến nhiều người không khỏi sởn gai ốc, bởi các cô dâu này không khác gì một món hàng.
Đài IMBC của Hàn từng làm một phóng sự, thu hút rất nhiều bình luận trên mạng xã hội Naver tiếng Hàn về việc "mua bán" này, khi ai nấy đều thắc mắc, hôn nhân như cuộc đổi chác thì liệu có vững bền? Thậm chí, người đọc trên nền tảng mạng xã hội này cũng gay gắt lên án rằng: "Nếu không kết hôn được, hãy sống một mình và nuôi dưỡng tâm hồn đi, đừng giữ suy nghĩ mua vợ như nô lệ".
Theo một báo cáo của Liên minh Công dân vì truyền thông dân chủ (Hàn Quốc), họ kiểm đếm hơn 25 kênh YouTube của các công ty môi giới ở đất nước này vào thời điểm cuối 2019, đã đăng tải 4.515 video, với hơn 500 video thể hiện quan điểm chọn vợ qua ngoại hình. Điều này là vi phạm luật môi giới hôn nhân Hàn Quốc, cũng như thể hiện sự coi thường phụ nữ một cách có chủ đích.
Trong khi đó, nếu gõ từ khóa "vlog kết hôn quốc tế" trên YouTube sẽ cho ra nhiều kết quả về nội dung môi giới hôn nhân bằng tiếng Hàn, theo Korea Times.
Nổi bật trong số đó có một đoạn video, tựa đề "Lần đầu gặp oppa của tôi" có hơn 600.000 lượt xem" được quay cách đây 1 năm, ghi hình lại người phụ nữ trẻ Việt Nam chào đón một người đàn ông Hàn Quốc tại sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM và tại nhà cô dâu tương lai. Điều đặc biệt, đoạn video kéo dài 5 phút này có một dòng chú thích ở cuối clip: "Cặp đôi dự định tổ chức đám cưới sau 3 tháng. Cô dâu sẽ cố gắng học thêm tiếng Hàn".
Phần lớn các video này đều quay rõ mặt cô dâu, trong khi chú rể thì bị làm mờ. Thậm chí, những thông tin cá nhân của cô dâu cũng được tiết lộ, cũng như các tiêu chí về hình thể, trinh tiết hay tuổi tác, học vấn của cô dâu cũng được đưa ra, nhằm giới thiệu đến các "chú rể tương lai".
Theo đó, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc từng xử lý nhiều quảng cáo mai mối mang tính phân biệt đối xử, coi thường phụ nữ. Thế nhưng các công ty môi giới hôn nhân cũng chẳng phải dạng vừa, khi chưa bị "sờ gáy", họ đã biến chuyển những video mang nội dung "giới thiệu" ấy thành dạng vlog để lách luật, theo Shin Min-jae, quan chức tại Trung tâm Quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc cho hay.
>> Xem thêm: 'Căn phòng khỏa thân': Nơi thử thách thí sinh Hoa hậu Việt Nam nhất
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận