Ối dào, không phải nói nữa. Khen phò mã tốt áo làm gì? Bút mực nào kể cho hết cho xiết về cái sự vỗ tay, hoan nghênh rầm trời dành cho Kép Tư Bền. Chỉ có thể nói gọn một câu nôm na thiệt thà rằng, kép hài này lên tận đỉnh vinh quang, đã nằm lọt thỏm trong tấm lòng ái mộ của quần chúng. Này nhá, hôm ấy tại rạp Quảng Lạc, hễ mỗi một câu chàng tuôn ra là cả rạp hát đồng thanh hô to: “Bis, bis, bis”; rồi tung hoa như mưa trút ào ào trên sân khấu. Riêng bà Phó Đoan hào hứng đến độ tháo luôn sợi chuỗi ngọc ném lên sân khấu rất hả hê.
Không hả hê sao được khi đóng vai Lưu Lễ dẫn quân bình Phiên, nhà vua dạy rằng:
“Thậm cấp, thậm cấp
Chí nguy, chí nguy
Quân nước Phiên đã kéo đến Lâm Truy
Hỡi tướng quân nhanh chóng cấp kỳ
Quân giặc sắp đến kinh kỳ
Chỉ còn có ba ki-lômét!”.
Không đợi mặt rồng nói hết câu, Kép Tư Bền liền quỳ xuống dõng dạc:
“Muôn tâu bệ hạ
Muôn đội ơn trên
Làm sao dám quên
Bề tôi trung nghĩa…”.
Rồi đứng phắt dậy, chuyển qua điệu hành tẩu:
“Thân trai sá gì nơi chiến địa
Da ngựa bọc thây chết cũng vinh
Tướng sĩ trăng treo đầu ngọn súng
Hẹn tiệc ơn vua giữa triều đình”.
Khí phách quá. Hào hùng quá. Bà phó Đoan ngưỡng mộ đến nỗi gào “bis, bis, bis” đến khản cổ. Rồi lúc chiêng, trống, kèn ồn ã nổi lên tiễn đưa tướng quân ra trận, bà ta lại xúc động đến độ nước mắt chảy lại ròng ròng. Nào riêng gì bà Phó Đoan, cả rạp lại khóc ầm ĩ lại cười nức nở theo tài diễn của Kép Tư Bền. Phen này, không khéo Hội đồng nghệ thuật phải đặc cách phong ngay giấy chứng nhận Nghệ sĩ nhân dân cũng nên. Kể từ ngày vẻ vang, vang dội ấy, Kép Tư Bền từ danh từ riêng đã trở thành tính từ, chẳng hạn, muốn khen ai có tấm lòng trung hiếu, hi sinh việc nước, hiến thân vì đại cuộc… người ta chỉ nói gọn: “Anh rất Kép Tư Bền”. Không còn lời khen, lời ngợi ca nào tột đỉnh hơn nữa. Nếu, vâng, nếu chàng kép thiên tài ý thức rằng, sự tung hô ấy chỉ diễn ra trên sân khấu thì hay quá, tốt quá, chừng mực quá.
Rằng, sau buổi diễn ấy, trong vòng vây của đám đông ái mộ, may mắn thay mà cũng lạ lùng thay, Kép Tư Bền được cầm lấy bàn tay bà Phó Đoan. Như có một luồng điện cực mạnh, chàng đã rúng động tâm can. Nói theo văn chương ngôn tình 9X là “tiếng sét ái tình” giữa tài tử và giai nhân đã nổ vang trong rạp Quảng Lạc.
Rồi như mọi đấng mày râu ấy, chiều hôm nay, sau khi đã diện veston Mỹ, chân mang giày Ý, mồm ngậm xì gà Cuba, mình xịt nước hoa Pháp, lần đầu tiên Kép Tư Bền tìm đến biệt thự sang trong bậc nhất ở thủ đô vốn là tư gia của bà Phó Đoan. Sau một hồi bấm chuông, sau một tràng tiếng chó sủa rền vang, từ nhà đã bước ra một nàng. Trái tim của chàng kép si tình đã rộn ràng điệu tango trẻ trung hào hứng, lúc ấy, thiệt trớ trêu thay, từ cái miệng của dung nhan đẹp như hoa, như ngọc lại thốt ra: “Xin lỗi, ông là ai?”.
Nghe câu nói trớ trêu ấy, ý định đá lông nheo khó có thể tung ra vào lúc này, Kép Tư Bền vội vàng nói ngay: “Kép Tư Bền đây”. Chắc chắn bà Phó Đoan sẽ mở cửa, sẽ ào ra đón, sẽ hạnh phúc ngã vào lòng rồi thốt lên: “Ối, chàng ôi. Hoàng tử của lòng em”? Không hề. Thiệt trớ trêu thay, lại vẫn là câu hỏi: “Xin lỗi, ông là ai?”. Chắc rằng người đẹp cố tình trêu, cố tình đùa, chàng kép liền khẳng định: “Kép Tư Bền đây chứ ai”. Chắc chắn bà Phó Đoan sẽ òa lên mừng rỡ chăng? Không hề. Rồi như sực tỉnh, bà Phó Đoan quay lưng bước thẳng vào nhà. Tiện tay, đóng sập cánh cửa lại.
Chẳng hiểu mô tê ất giáp gì cả, chàng kép tài ba đứng ngẫn tò te rồi tự thốt lên: “Sao lạ thế? Sao lại hỏi Kép Tư Bền là ai? Ai là ai? Ta đây chớ ai?”.
Thời gian nhẹ nhàng trôi qua. Một phút trôi qua. Năm phút trôi qua. Chẳng thấy người đẹp quay ra, đã thế lại tiếng chó sủa đuổi khách này càng hung dữ tợn. Buồn tình, chàng kép quay gót và lảm nhảm theo điệu boléro:
“Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời…”.
Rồi cũng như mọi lần, lúc buồn vì tình, Kép Tư Bền lại móc con phone - apple chính hãng tâm sự cùng Xuân Tóc Đỏ. Sau khi nghe bạn kể lể sự não tình thê thảm, thằng Xuân lại cười khanh khách và mắng luôn: “Đồ ngốc. Ai là ai? Cậu là ai? Kép Tư Bền là ai? Cậu lên Google “sợt” bài thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ ắt rõ sự tình”.
Nghe theo lời bạn, Kép Tư Bền làm theo tắp lự. Nghe đâu sau đó, chàng kép thiên tài của nước Nam đã xin giải nghệ; và lúc nào cũng tự răn bằng câu thơ:
“Vua chèo còn chẳng ra gì
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận