Thiết bị này có thể theo dõi đường huyết trong suốt 24 giờ và trong nhiều ngày, thường là từ 7 - 14 ngày.
Ông Nguyễn Văn M. (53 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đang theo dõi điều trị bệnh đái tháo đường tại khoa Nội tiết - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Phát hiện mắc bệnh đái tháo đường từ tháng 7-2018, sau thời gian điều trị và điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, sức khỏe của ông M. ngày càng ổn định. Ông được chỉ định tiếp tục dùng thuốc, theo dõi đường huyết và duy trì tái khám.
Dùng máy thử đường huyết tại bệnh viện. (Ảnh: internet)
Số người sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết tăng nhanh
Đầu năm 2020, để giúp ông có thể thuận tiện hơn trong việc kiểm tra đường huyết mỗi ngày mà không cần trích máu từ ngón tay, các bác sĩ hướng dẫn ông sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục.
Với thiết bị này, ông có thể chủ động kiểm soát được chỉ số đường huyết thông qua một cảm biến gắn ở da và thiết bị đọc kết quả đường huyết. Ông thường cung cấp các chỉ số đường huyết của mình cho bác sĩ, để nhận được lời khuyên khi đường huyết không ổn định.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, từ năm 2020, các bác sĩ khoa Nội tiết đã thí điểm sử dụng phương pháp theo dõi đường huyết liên tục.
Trong khoảng nửa năm trở lại đây, số người bệnh sử dụng tăng lên khá nhiều, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm nguy cơ hạ đường huyết cho người bệnh. Chi phí sử dụng thiết bị này tuy không thấp, nhưng nếu so với chi phí phải nhập viện để điều trị tình trạng tăng hay hạ đường huyết thì sẽ thấp hơn rất nhiều.
Trước đó, phần lớn người bệnh đái tháo đường sẽ theo dõi đường huyết tại nhà bằng các máy thử đường huyết mao mạch. Để thử đường huyết, người bệnh sẽ dùng kim để trích máu từ đầu ngón tay nên thường gây đau, sợ hãi và đôi khi là e ngại khi phải thử đường huyết trước mặt người khác.
Thiết bị theo dõi đường huyết liên tục thường gồm một cảm biến gắn ở da (thường ở vùng bụng hoặc mặt dưới cánh tay) và một thiết bị đọc kết quả đường huyết để đo đường huyết liên tục 24/24.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng điện thoại thông minh để đọc kết quả từ các cảm biến. Với thiết bị này, người bệnh và người nhà người bệnh có thể xem đường huyết mỗi vài phút, xem ở bất kể nơi đâu mà chỉ cần quan sát màn hình điện thoại, không cần phải đem theo kim, gòn, cồn và phải nghĩ cách xử lý các vật dụng này khi thử đường.
Theo BS.CKI. Mã Tùng Phát – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược, thiết bị theo dõi đường huyết liên tục cho thấy diễn tiến đường huyết chi tiết, những thay đổi đường huyết sau ăn, từ đó giúp bác sĩ có thêm cơ sở tư vấn cho người bệnh, nhất là chế độ ăn.
Một số người bệnh chủ động hơn, khi thấy được những thay đổi đường huyết sau ăn với từng loại món ăn, thức uống họ dùng, họ có thể tự rút kinh nghiệm rồi điều chỉnh để tự quản lý đường huyết mình tốt hơn mà chưa phải đợi đến lịch khám.
Cải tiến của thiết bị này so với phương pháp đo đường huyết mao mạch chính là thay vì đo đường huyết trực tiếp từ máu, thì người bệnh đo đường huyết gián tiếp trong dịch mô kẽ.
Một điểm mạnh của các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục chính là khả năng lưu trữ và chuyển tiếp các dữ liệu. Với kết nối internet, các dữ liệu này được đồng bộ hóa đến một điện thoại hay máy tính khác ở rất xa. Chính vì vậy, bác sĩ hoặc người nhà người bệnh có thể truy cập trực tiếp dữ liệu đường huyết của người bệnh để đưa ra các hỗ trợ và tư vấn cần thiết, kịp thời.
Tuy nhiên hiện giá thành của thiết bị này còn khá cao, chưa phù hợp khả năng chi trả cho phần lớn người bệnh. Hơn nữa, để sử dụng thiết bị này hiệu quả, người bệnh phải có những hiểu biết cơ bản về công nghệ, cần được hướng dẫn, tư vấn kỹ càng để có khả năng xử lý những thông tin và dữ liệu từ kết quả đường huyết.
Giúp người bệnh quản lý đường huyết hiệu quả
Các biến chứng của đái tháo đường ở mắt, thận, não, tim… có thể xuất hiện ngay khi vừa mắc đái tháo đường. Việc theo dõi và kiểm soát đường huyết là “chìa khóa” để ngăn ngừa sự xuất hiện mới cũng như làm chậm diễn tiến của các biến chứng này.
BS.CKI Mã Tùng Phát lưu ý, các thiết bị theo dõi đường huyết là một phương tiện, không phải một phương thức điều trị. Dù sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết nào, hiệu quả chỉ thực sự đạt được khi kết hợp với chế độ điều trị hợp lý, bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và dùng thuốc. Do đó, người bệnh không nên quá lệ thuộc vào những công nghệ này mà bỏ quên các bước theo dõi, tái khám, điều trị cơ bản như bác sĩ hướng dẫn.
BS.CKI. Mã Tùng Phát cho rằng đối với người bệnh đái tháo đường, việc tuân theo phác đồ điều trị, chế độ ăn uống hợp lý đồng thời theo dõi đường huyết chính là yếu tố then chốt giúp người bệnh chủ động hơn trong kiểm soát tình trạng bệnh.
Đây là cơ sở để bác sĩ điều chỉnh các thuốc điều trị cũng như các thói quen sinh hoạt ăn uống, tập luyện nhằm giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận