Trong không khí hào hùng chào mừng 50 năm thống nhất đất nước (1975 - 2025), vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi trở lại Sân khấu kịch IDECAF với một diện mạo mới, dự kiến công diễn từ ngày 1-5-2025.
Phiên bản mới có tên Lệ Chi viên, là dự án tiếp nối thành công Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử trong chuỗi hoạt động chương trình Sân khấu sử Việt học đường.

Vở kịch lịch sử nổi tiếng về danh nhân Nguyễn Trãi được tái diễn
Quang Thảo 'trẻ hóa' Bí mật vườn Lệ Chi ra sao?
Trả lời Tuổi Trẻ Cười Online, nghệ sĩ Quang Thảo - là đạo diễn kiêm thủ vai Ức Trai Nguyễn Trãi trong vở diễn - chia sẻ "chìa khóa" làm mới Lệ Chi viên 2025 nằm ở thủ pháp dàn dựng, trang phục, âm nhạc, ánh sáng.
Đạo diễn Quang Thảo nói: "Một kịch bản chính sự khi dựng sẽ khó khăn vì phải tuân theo sự thật lịch sử. Nhưng để khán giả trẻ ngày nay tiếp nhận thì phải có thêm tính giải trí. Chúng tôi thể hiện điều đó ở trang phục, âm nhạc, ánh sáng và thủ pháp dàn dựng sân khấu".
Nói riêng về quá trình chuẩn bị trang phục cũng là một khâu quan trọng được IDECAF đầu tư cho Lệ Chi viên. Đạo diễn Quang Thảo chia sẻ: "Chúng tôi mất 2 tháng ra miền Bắc, thăm nhiều đền thờ, gặp các nhà nghiên cứu trang phục lịch sử để có ý tượng. Chúng tôi không phục dựng 100% trang phục thời hậu Lê, mà chỉ cố gắng đến gần nhất với tư liệu lịch sử. Nói gì thì nói, trang phục biểu diễn còn phải mang tính mỹ thuật sân khấu".

100% trang phục diễn, đạo cụ và dàn dựng sân khấu của Lệ Chi viên được làm mới

Trang phục được làm từ chất liệu thuần Việt
Theo đó, 100% trang phục vở diễn được làm mới công phu từ chất liệu, kiểu dáng, thiết kế sau nhiều chuyến khảo nghiệm tại Bắc Ninh - nơi tọa lạc của Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đền thờ Nguyễn Trãi (Chí Linh, Hải Dương) và Lệ Chi viên (vườn vải) (Gia Bình, Bắc Ninh).
Sau buổi diễn phúc khảo, có ý kiến cho rằng có một số câu từ hiện đại so với thời xưa trong lời thoại. Tuy nhiên đạo diễn Quang Thảo cho biết không làm mới theo xu hướng mà đều là những từ ngữ có sẵn trong kịch bản gốc.
Anh nói: "Tôi rất ngạc nhiên khi bác Hoàng Hữu Đản viết kịch bản này từ năm 1982 nhưng đã dùng những từ gần với thời đại. Sau khi tìm hiểu, Quang Thảo được biết đây cũng là cách giúp người xem dễ tiếp thu được nội dung, ý nghĩa của vở diễn. Đây cũng là cách mà Sân khấu kịch IDECAF hướng đến làm kịch xưa, nhưng hướng đến cách kể gần gũi hơn với thời đại, với người trẻ. Không phải mình đang 'chùi" đi giá trị xưa, mà chỉ đang vận dụng những phương cách dễ hiểu hơn cho khán giả".
Nhiều gương mặt quen trong Lệ Chi viên
Mặc dù nỗ lực làm mới vở kịch lịch sử nổi tiếng, nhưng Lệ Chi viên gần như giữ nguyên dàn diễn viên quen thuộc từ ngày đầu ra mắt. Trong đó, NSƯT Thanh Thủy, Hồng Ánh, Mỹ Duyên, Đình Toàn. Quang Thảo, Đại Nghĩa, Hoàng Trinh thay thế cho NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Lộc và Lê Khánh đã rời kịch IDECAF.

NSƯT Thanh Thủy đảm nhận vai thái hậu Nguyễn Thị Anh, Đại Nghĩa vai thái giám Tạ Thanh
Nói về việc vẫn chưa trao cơ hội diễn cho lớp nghệ sĩ trẻ hơn, Quang Thảo cho rằng người trẻ chưa đủ trải nghiệm, sự sâu sắc như các bậc thầy diễn xuất đã làm được.
Vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử sân khấu Việt Nam với hàng loạt thành tích ấn tượng. Ra mắt năm 2000, tác phẩm nhanh chóng trở thành hiện tượng với hơn 70 suất diễn, nhận được sự yêu mến nồng nhiệt từ khán giả và giới phê bình.
Năm 2007, vở kịch xuất sắc giành 3 giải Mai vàng danh giá cho Đạo diễn sân khấu (NSƯT Thành Lộc), Nam diễn viên kịch nói (NSƯT Hữu Châu vai Nguyễn Trãi) và Nữ diễn viên kịch nói (Thanh Thủy vai Nguyễn Thị Anh). Ngoài ra tác phẩm được vinh danh tại Giải Hội Sân khấu năm 2000 nhờ giá trị nghệ thuật và văn hóa vượt trội. Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ, Bí mật vườn Lệ Chi trở thành biểu tượng của dòng kịch lịch sử Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận