Nhà báo Lê Văn Nghĩa làm Thư ký Tòa soạn phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười lâu nhất, từ 1992 đến 2015, một trong những người tham gia vào việc sáng tạo nên bút danh tập thể HAI CÙ NÈO, nhân vật LINDA KIỀU, CÔ TÚ văn chương… đã qua đời vào lúc 22 giờ 25 phút, ngày 25 tháng 7 năm 2021.
Ở báo TUỔI TRẺ CƯỜI, nhà báo Lê Văn Nghĩa nổi tiếng với các bút danh Hai Cù Nèo, Thằng Hề, Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy…. Ông là người trực tiếp tổ chức và phụ trách nội dung báo Tuổi Trẻ Cười trong suốt 23 năm, là tác giả của hàng loạt tiểu phẩm hài hước thu hút độc giả, là một trong những người cùng tham gia ý tưởng tạo nên giải thưởng Cù Nèo Vàng và Trái Cóc Xanh rất nổi tiếng của Tuổi Trẻ Cười…
Cho tới những ngày cuối đời, nhà báo Lê Văn Nghĩa vẫn coi báo Tuổi Trẻ Cười là nơi ông gởi gắm những tiểu phẩm tâm huyết nhất của mình.
Tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cười, Câu lạc bộ Họa sĩ Biếm… xin thành kính gởi lời chia buồn với gia đình nhà báo Lê Văn Nghĩa!
Lê Văn Nghĩa đã về với má
Trần Nhật Vy
“Chia tay nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021), người bạn đầu tiên khi tôi về Tuổi Trẻ (10-1977), lúc 22h25 phút tối nay, sau một thời gian lâm trọng bệnh. Một tấm gương làm việc thật đáng nể! Mong anh yên nghỉ!”.
Đây là tút trên Facebook của nhà văn Nguyễn Đông Thức, ông bạn đời của tôi, lúc 8 giờ 45 sáng 25-7-2021 giờ Cali.
Vậy là tôi lại mất thêm một đồng nghiệp, một người bạn, trong khi xa quê. Lê Văn Nghĩa, một người rất thương má, yêu nghề, yêu Sài Gòn, thương người nghèo đến tận xương tủy.
6 giờ sáng Cali (20 giờ Hà Nội) tôi đọc tút của em Đinh Thanh Thủy mong Lê Văn Nghĩa qua được để chờ cuốn sách anh đang ở nhà in. 6 giờ 10 phút tôi điện cho họa sĩ Nhốp hỏi tình hình và 5 phút sau đó Nguyễn Văn Tiến Hùng, người kế tục Lê Văn Nghĩa phụ trách tờ Tuổi Trẻ Cười, điện cho tôi “Tình hình xấu, không biết anh Nghĩa đi lúc nào”. Tôi vẫn mong Nghĩa vượt qua cơn ngặt nghèo như đã từng, hoặc kéo dài thời gian gần gũi với gia đình. Hi vọng là vậy nhưng….
Tôi thân với Lê Văn Nghĩa khi tham gia vào Câu lạc bộ sáng tác Thành Đoàn, hồi ấy sinh hoạt hằng tuần tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ ở số 12 Phạm Ngọc Thạch. Đó là anh chàng phóng viên ốm nhách vì bịnh phổi, đi chiếc xe mô-bi-lét xanh cũ mèm (nhưng hồi ấy còn đi xe “gắn máy” là rất sang) từng là phóng viên “phụ trách thể thao” của báo! Rồi chúng tôi càng thân thiết hơn khi tôi về làm việc chung ban với anh vào giữa năm 1981.
Lúc đó, Nghĩa phụ trách sân khấu và anh say sưa với sân khấu hài, viết kịch bản hài, tham gia Liên hoan sân khấu Hài do Hội Sân khấu thành phố tổ chức. Đây cũng là tiền đề để những năm sau này anh về làm việc hẳn ở tờ Tuổi Trẻ Cười.
Anh sống rất kín đáo, tính tình thẳng thắn, hóm hỉnh và thích châm chọc nhưng rất yêu nghề. Anh bước vô nghề báo từ khi còn là học sinh trường Pétrus Ký dù chẳng học trường lớp báo chí nào hết. Anh lăn lộn với nghề, viết đủ thứ thượng vàng hạ cám, đồng thời học hỏi. Anh luôn dặn dò lớp đàn em “Muốn biết tờ báo hay hay dở hãy ra sạp báo và nghe người bán báo nói”. Anh là một trong những người đầu tiên, hoặc là người đầu tiên viết cho mục "Đèn Pha" trên báo Tuổi Trẻ mà sau này tôi là người kế tục.
So với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Nghĩa là người có sức khỏe kém. Hồi trẻ, anh bịnh phổi khá nặng phải chữa trị trong một thời gian dài. Có lẽ đây là di chứng của năm tháng bị tù đày! Về già thì sức khỏe càng kém với đủ thứ bịnh “sang trọng” như tiểu đường, gút, ung thư… Đã vậy, anh còn mang nhiều nỗi khổ tâm trong lòng khó nói.
Đau và khổ nhưng anh không than van, mà dồn hết sức vào những trang viết như để giải tỏa. Anh viết Điệp viên Không Không Thấy, viết hồi ức về Sài Gòn, về trường cũ… Tôi không dám nói anh là một văn tài kiệt xuất, bởi ngay cả những truyện hài hước của anh, đọc cũng… chả cười được! Nhưng trong mỗi trang viết ấy tôi lại cảm thấy vị mằn mặn của những giọt nước mắt yêu đời, thương người cô thế, nghèo khổ.
Có lần anh nhờ tôi: “Ông thân với phòng Văn hóa Thông tin Quận 10, nhờ ông xin mấy ổng cho tôi cái sạp báo được không?”. Tôi gật đầu và ít lâu sau, trên lề đường bùng binh ngã sáu Chợ Lớn mọc lên một sạp báo, mà sau đó tôi biết là má của anh đứng bán để nuôi bầy em của anh. Sau này, Lê Văn Nhơn, em kế của Nghĩa cho biết, nhờ sạp báo đó mà gia đình đủ sống qua ngày dù trước đó tôi chưa từng nghe anh kể về đời sống gia đình anh.
Bạn bè của anh đều biết, không bao giờ anh đi ăn trưa với bất cứ ai. Chỉ vài người biết là buổi trưa anh phải về ăn cơm với má! Ai mà không yêu thương người sanh ra và dưỡng dục mình, nhưng dường như chỉ có anh dành phần lớn cuộc đời riêng để yêu thương và chăm sóc má! Anh chăm sóc má anh cho tới ngày cuối cùng.
Anh là người có xe hơi đầu tiên ở báo Tuổi Trẻ nhưng chiếc xe anh đi tới hôm nay vẫn là chiếc Honda cà tàng từ thập niên 1980. Anh có cô vợ nổi tiếng trong làng thiết kế thời trang ở Việt Nam nhưng hiếm khi thấy anh mặc đồ hiệu, lúc nào cũng quần áo lèng xèng, mặc cho có mặc. Không phải anh giả nghèo, mà “Đời còn lắm người nghèo khổ mầy ơi!”, anh nói vậy khi tôi thắc mắc. Không chỉ trong cuộc sống mà trên các trang báo do anh phụ trách, người nghèo vẫn được ưu tiên, dù đôi khi có khiên cưỡng.
…
Tôi từng tự hứa sẽ viết về những nỗi khổ của Lê Văn Nghĩa sau khi anh mất. Nhưng giờ đây viết có ích gì! Giờ đây nước mắt tôi cứ ứa ra dù không muốn khóc. Bởi những gì viết ra có thể sẽ làm người trong cuộc còn sống thêm đau khổ, còn anh thì…!
Nghĩa ơi, hãy ra đi thanh thản, bỏ qua tất cả những mất mát, những nỗi đau của cuộc đời. Qua bên kia anh sẽ ở gần bên má. Qua bên kia anh đã có nàng Linda Kiều chờ đón rồi. Những gì anh đã sưu tập sẽ được con em anh giữ gìn. Những gì anh viết sẽ được bạn bè và bạn đọc đón nhận và trân trọng.
Vĩnh biệt anh, một người Sài Gòn luôn đứng về phía người cơ khổ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận