Theo báo Mirror (Anh), mới đây ông Karan Raj - một bác sĩ với hàng triệu lượt người quan tâm trên mạng xã hội TikTok nổi tiếng, vì những lời khuyên hữu ích về thực phẩm cũng như sức khỏe, đã đề xuất một gợi ý về cách tính giờ đi ngủ, nhằm giúp mọi người tỉnh táo khi thức giấc.
Theo đó, trong video mới đăng, bác sĩ Karan Raj lý giải nguyên nhân vì sao ngay cả khi đã ngủ đủ, tức là ngủ từ 7-8 tiếng/đêm, nhiều người vẫn cảm thấy váng vất, lơ mơ lúc dậy.
Bác sĩ này cho rằng rất có thể vì mọi người đã vô tình làm ngắt quãng các chu kỳ nghỉ ngơi tự nhiên của cơ thể, chứ không phải vì thiếu ngủ.
Nói đơn giản hơn, theo bác sĩ Karan Raj, có thể nguyên do chính khiến ai đó ngủ nhiều mà khi thức vẫn thấy lơ mơ, uể oải là vì bạn đã thức dậy vào lúc giữa chu kỳ ngủ của bộ não.
Từ đây, bác sĩ “triệu view” trên TikTok gợi ý “nguyên tắc 90 phút” của ông trong video đăng trên TikTok, trong đó giải thích cách bạn có thể tự tính thời gian “hoàn hảo” để đi ngủ, nếu muốn thức dậy tỉnh táo vào một khoảng giờ nào đó sáng hôm sau.
“Hãy thử áp dụng cách này, nếu bạn muốn thức dậy trong cảm giác tỉnh táo”, bác sĩ Karan Raj nói.
“Mỗi đêm bộ não của bạn sẽ trải qua nhiều chu kỳ giấc ngủ. Mỗi chu kỳ như vậy thường bắt đầu với ngủ nông, rồi ngủ sâu, rồi mơ và tỉnh giấc”, ông giải thích.
Video giải thích của bác sĩ Karan Raj - Nguồn: MIRROR
“Mỗi chu kỳ như vậy thường kéo dài khoảng 90 phút. Bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo nhất, nếu thức dậy vào cuối mỗi chu kỳ 90 phút đó”, ông tiếp.
Do đó bác sĩ Karan Raj khuyên mỗi người nên tự tính ra khoảng thời gian đi ngủ hợp lý với mình, căn cứ theo nguyên lý 90 phút này.
Theo đó, ông giả định, nếu bạn muốn thức dậy tỉnh táo lúc 8 giờ sáng, bạn nên tính ngược lại với các chu kỳ 90 phút đã nói, cho tới lúc đạt tới khoảng thời gian gần nhất với lúc bạn muốn đi ngủ.
Chẳng hạn, nếu bạn đi ngủ lúc 11 giờ đêm trước, bạn nên thức giấc vào ngay thời điểm cuối chu kỳ thứ sáu của giấc ngủ ở bộ não, để có được trạng thái tỉnh táo như mong muốn.
Bác sĩ Karan Raj lưu ý thêm, vì cơ thể mỗi người khác nhau, nên có thể nguyên tắc này không đúng với tất cả mọi người, tuy nhiên nó không có hại gì nếu bạn muốn thử.
Video này của bác sĩ Karan Raj đã thu hút hơn một triệu lượt xem, và đã có khán giả phản hồi là họ đã thử nghiệm và thấy thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận