Lại nói về lúc cụ cố Hồng - bố vợ của Xuân Tóc Đỏ nằm gường bệnh. Lúc ấy, lão thầy bói gà mờ có đến xem một quẻ về hậu sự. Tưởng gì, lão lại ngoác mồm: “Bẩm cụ, số con rể cụ, ông Xuân tôi thật là số anh hùng, số vĩ nhân. Ấy chính là khoa quyền lộc cung, vua biết mặt, chúa biết tên; lại vợ cũng đẹp, con cái cũng lắm...”. Nghe lè nhè, lải nhải mãi những câu vô duyên ấy, cụ Hồng nhắm mắt lại, ho lụ sụ lên một cách cổ điển, ôm ngực mà khặc khừ: “Biết rồi! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”.
Thế, cụ cần nghe câu gì?
Bí mật này, không một ai có thể biết được, ngoại trừ Xuân Tóc Đỏ.
Hãy nhớ lại đi, thuở hàn vi Xuân đã từng kiếm cơm bằng nghề rao quảng cáo thuốc trị bệnh giang mai, lậu, trĩ, ho lao, ho gà, cảm cúm… tại chợ Đồng Xuân. Với tài năng siêu việt ấy, Xuân đã lọt vào “mắt xanh” của đốc tờ Trực Ngôn và phất lên như diều gặp gió. Với tiền bạc ùn ùn chảy vào túi, Xuân nhảy một phát vào giới thượng lưu.
Sau khi trở thành con rể của cụ cố Hồng, ngày nọ, đốc tờ Trực Ngôn gọi Xuân đến nhà, dạy rằng: “Danh đã có. Tiền đã có. Tiền phải đẻ ra tiền. Tiền không thể đứng ì một chỗ. Đã là tiền thì phải…”. Vốn thông minh hơn người, nghe một hiểu mười, Xuân liền đứng phất dậy, vung thẳng tay, hô to: “Tiền phải tiến”. Đốc tờ Trực Ngôn cả cười: “Đúng lắm. Tiền phải tiến. Tiền mới đẻ ra tiền. Muốn thế, phải làm sao?”.
Dù đã từng chạy cờ rạp hát, đã từng quản lý nhà may Âu Hóa, đã từng huấn luyện thể thao cho bà Phó Đoan, đã từng trở thành nhà bào chế thuốc, đã từng trở thành nhà cải cách xã hội lừng danh, đã từng được phủ Toàn Quyền ân thưởng Bắc đẩu Bội tinh… thế nhưng với câu hỏi tầm thường đó, Xuân Tóc Đỏ lại bí rị.
Lúc chuông đồng hồ gõ bong bong mấy tiếng, đốc tờ Trực Ngôn mới bảo: “Chịu thua rồi phải không? Mày đang nằm trên khối vàng ròng đó”. Ơ hay, gia đình cụ cố đâu đến độ giàu nứt đố đổ vách? Câu nói ấy, ngụ ý gì đây? Biết tỏng nổi thắc mắc ấy, vị lương y như từ mẫu mới xích lại gần Xuân nói khẽ: “Cụ cố là khối vàng ròng đó. Một lời cụ phán ra là thiên hạ kinh khiếp. Răm rắp nghe theo. Với uy thế lẫy lừng của cụ, là con rể sao mày không cậy nhờ đến cụ?”.
Xuân hỏi lại bằng một câu ngờ nghệch: “Nhờ cậy cái gì?”. Lấy trách nhiệm, đạo đức và lương tâm của vị thầy thuốc, đốc tờ Trực Ngôn quả quyết: “Mày xin cụ cấp cho cái giấy nhập khẩu thuốc Tây”.
Vỡ lẽ ra, Xuân ồ lên một tiếng reo mừng rõ to. Rồi liến thoắng: “Này, lao, phong, cổ, lại là bốn căn bệnh mà người Nam đang đói thuốc. Ta nhập vào rồi bán chênh lệch là giàu to. Lúc ấy, tiền phải tiến. Tiến lên cỡ Thạch Sùng mới thôi”. Câu nói ấy đúng chóc. Nào ngờ, đốc tờ Trực Ngôn nhăn mặt và nói nhỏ dần: “Mày ngu lắm. Phải thế này… Thế này… Rõ chưa?”, Nghe đến đâu, gương mặt của Xuân lại rạng rỡ, hớn hở, rực rỡ như hoa đào vui xuân đón tết.
Từ khi có giấy phép nhập thuốc, thiên hạ tin răm rắp là thần dược, thuốc tiên, cải lão hoàn đồng, dẫu thập tử nhất sinh đi nữa, chỉ cần há mồm ra nốc lấy nốc để là lại khỏe như vâm. Thuốc quý lại nhập khẩu từ các nước có nền y học tiên tiến nhất toàn cầu, dẫu giá có đắc đến cỡ nào cũng phải mua. Bán nhà mà mua. Bán đất hương hỏa mà mua. Vay nợ mà mua. Phải mua cho bằng được.
Tất nhiên, lúc nằm trên giường bệnh, cụ cố cũng sử dụng loại thuốc nhập khẩu đó. Và cụ càng tự hào, vì rằng, cụ đã góp phần cải thiện sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật ắt toàn dân mãi mãi tri ân cụ.
Chiều nay, sau khi đuổi lão thầy bói gà mờ ra khỏi dinh thự, cụ cho gọi Xuân Tóc Đỏ vào tư vấn bệnh tình ra làm sao, chứ thuốc uống mãi cũng không hết bệnh. Nhìn thân hình tiều tụy đau đớn của cụ, khổ thân, cụ cũng vướng phải lao, phong, cổ, lại. Xuân nói ngay: “Bấy lâu nay, do công cán nên vợ chồng con liên tục đi nước ngoài. Vậy nhà, các vị đốc tờ đã lo thuốc men cho bố ra làm sao?”. Cụ cố nhíu mày: “Thì bố vẫn sử dụng loại thuốc do con nhập khẩu đấy thôi”.
Bỗng nghe như tiếng sét nổ bên tai, Xuân Tóc Đỏ rú lên: “Bỏ bu rồi! Bọn con bào chế nhưng gắn mác nhập khẩu”. Cụ cố lắp bắp: “Vậy, thuốc giả?”. Nhìn thấy thằng con rể gật đầu cái rụp, chưa kịp thốt ra câu slogan: “Biết rồi! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”, cụ cố Hồng liền cỡi hạc quy tiên, vân du tiên cảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận