Tayla Clement (24 tuổi, ở New Zealand) mắc hội chứng Moebius bẩm sinh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ trên gương mặt, khiến cô không thể cười được như một người bình thường, theo New York Post.
Căn bệnh này đã làm cho Tayla không thể đảo mắt sang trái, phải. Thậm chí cả những cử động như nhướn mày, điều khiển môi cũng khó có thể thực hiện được. Điều này làm cho cô gái trẻ từ khi còn là một bé gái đã không thể cười.
Tayla thổ lộ: "Tôi ước có một nụ cười bình thường. Tôi còn ước mình chưa từng được sinh ra. Nhiều năm qua, tôi rất chán ghét vẻ ngoài của mình. Nhưng tôi vẫn ở đây, theo một cách nào đó".
Tuy nhiên, bệnh tật vẫn không ngừng bủa vây lấy Tayla khi cô còn bị khèo chân và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
Năm 12 tuổi, Tayla trải qua một cuộc đại phẫu để có được nụ cười, khi bác sĩ cấy mô mềm từ đùi vào mặt của cô. Thế nhưng, cuộc đại phẫu đã thất bại, hậu quả để lại khiến gương mặt buồn rười rượi của Tayla thêm phần sưng tấy và bầm tím.
Khuôn mặt khác biệt đã trở thành vấn đề của cô bé khi đến trường. Tayla thường bị bạn bè bắt nạt. Đám trẻ đã la lối, cố hét càng to vào mặt của cô bé. Thậm chí, chúng còn bỏ chạy khi Tayla đi ngang hoặc đến gần. Cô bé cũng gặp tình trạng bị ngó lơ bởi các giáo viên khi chẳng ai gọi phát biểu dù đã giơ tay.
Tháng ngày ở trường học là một áp lực với một cô bé. Hiểu chuyện và không muốn thêm gánh nặng cho cha mẹ, Tayla chọn cách im lặng và tự mình đối đầu với các tình huống xuất hiện trong cuộc đời.
Tayla được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm lâm sàng và lo lắng thái quá. Cô đã từng có ý định chấm dứt cuộc sống đến 6 lần tính đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bởi bản thân quá mất niềm tin vào cuộc sống.
Cuối năm 2016, Tayla cảm thấy sức khỏe tinh thần xuống dốc trầm trọng sau khi thất bại tại vòng loại Paralympic Rio. Rời bỏ đường đua xanh, cô gái trẻ tìm hướng mới ở phòng gym và đi bộ hàng ngày.
Dần dà, sức khỏe và tinh thần của Tayla được kiểm soát tốt hơn. Cô cảm thấy thoải mái hơn và ghi danh vào giải điền kinh Para Atheletics, dành cho vận động viên khuyết tật New Zealand.
Năm 2018, Tayla bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên sau 2 năm luyện tập. Cô vô địch trong cuộc thi đẩy tạ của bang Victoria, Melbourne tại Úc. Chưa dừng ở đó, cô gái khuyết tật giành luôn huy chương vàng ở giải vô địch quốc gia New Zealand vào năm kế tiếp, lật đổ luôn kỷ lục thế giới ở hạng F43.
Chính những thành tích này đã giúp truyền thông chú ý đến Tayla nhiều hơn. Những lời động viên, khuyến khích gửi về kênh Instagram của cô nhiều hơn, giúp cô nhận thấy bản thân đã phát triển và tích cực đến dường nào khi nhìn về thành quả đã đạt được.
Nữ vận động viên sau đó đã có các buổi nói chuyện trước công chúng, truyền cảm hứng cho những ai đang bị dị tật trên khuôn mặt bằng chính cuộc đời của mình. Với cô, những thất bại đã qua chính là điều giúp bản thân buộc phải đứng dậy, cố gắng và thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận