Bên cầu dệt lụa do soạn giả Thế Châu sáng tác là một trong những vở cải lương kinh điển của Việt Nam, công diễn lần đầu vào năm 1976.
Vở diễn nói lên lòng chung thủy của tiểu thư Quỳnh Nga dành cho Trần Minh. Từ đó, đề cao lòng nhân nghĩa, lòng hiếu thảo, tình bằng hữu, nghĩa thủy chung.
Vở cải lương này được dàn dựng với nhiều phiên bản khác nhau, nhiều nghệ sĩ thể hiện. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là bản gốc 1976 với NSƯT Thanh Nga vào vai Quỳnh Nga và NSƯT Thanh Sang vào vai Trần Minh.
Trong show diễn thời trang Gõ cửa 90, nhà thiết kế Đinh Văn Thơ đã đưa trích đoạn vở cải lương Bên cầu dệt lụa vào show thời trang của mình, nhằm vinh cải lương Việt Nam.
Trích đoạn cải lương này mở màn show diễn Gõ cửa 90 gây chú ý cho khán giả. Vân Trang, Quốc Đại vào vai chính vở diễn, nhắc nhớ về thời gian vàng son của cải lương Nam Bộ những năm 70 của thế kỉ trước.
Vân Trang hóa thân theo hình ảnh cố nghệ sĩ Thanh Nga, xuất hiện trên sân khấu cùng khung cửi dệt vải. Còn Quốc Đại hóa thân thành cố nghệ sĩ Thanh Sang, chinh phục khán giả bằng giọng hát mùi mẫn.
Vân Trang cho biết, đây là ý tưởng của nhà thiết kế của Đinh Văn Thơ khi mang hình ảnh khung cửi dệt vải lên sân khấu, mong muốn tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, đồng thời tôn vinh vải vóc được dệt nên từ những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Vân Trang cũng bày tỏ niềm vinh dự khi được hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga. Dù bản thân không thể sánh được với nghệ sĩ Thanh Nga, nhưng chỉ cần vài phút ngắn ngủi được hóa thân thành “tượng đài” cải lương là một niềm hạnh phúc to lớn với cô.
Phần thể hiện của Vân Trang, Quốc Đại nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận