Chuyện này thực tế như thế nào?
Tín đồ trà sữa đến bệnh viện trị gút!
Ông Victor Seah, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Parkway East (Singapore) cho biết: “Trung bình mỗi tháng có 4 - 5 bệnh nhân bị gút tìm đến bệnh viện. Họ đều là những tín đồ “trung thành” với trà sữa”.
Theo nguồn tin từ tờ CNA, bệnh gút hiện đang có xu hướng trẻ hoá nhanh. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ phải trải qua những cơn đau dữ dội tại các khớp do nồng độ axit uric trong máu tăng cao.
Thông thường, thận là cơ quan đảm nhiệm chức năng lọc axit uric và thải ra ngoài, nhờ cơ quan bài tiết. Nhưng khi tồn tại trong cơ thể với nồng độ quá cao, axit uric có thể tích tụ và hình thành các tinh thể hình mũi kim ở các khớp, đặc biệt là ngón chân cái, gây viêm nhiễm và đau đớn.
Gút- căn bệnh "tra tấn" người bệnh
Bệnh gút thường bắt đầu với cảm giác ngứa ran, nhanh chóng tiến triển thành cơn đau dữ dội. Bác sĩ Seah cho biết: "Bệnh nhân thường mô tả cảm giác này như bị hàng trăm mũi kim chọc vào người, gây đau nhức khắp cơ thể, ngay cả khi họ không làm việc gì".
"Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái, hoặc mắt cá chân, đầu gối, thậm chí cả cổ tay và khuỷu tay", bác sĩ cho biết thêm.
Căn bệnh oái oăm này còn có một số triệu chứng khác như cảm giác nóng, sưng và đau khớp. Cơn đau thường khởi phát đột ngột, đặc biệt là vào ban đêm. Thậm chí người bệnh có thể sẽ bị sốt.
Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh gút có thể gây biến dạng khớp, tổn thương sụn, viêm khớp, đau mãn tính, cứng khớp, và nặng nhất là dẫn đến suy thận.
Ngoài ra, các tinh thể axit uric đọng trong da và các mô mềm có khả năng hình thành các cục u đau đớn, những vết lở loét có nguy cơ làm nhiễm trùng da.
Trà sữa-"thủ phạm" mới gây bệnh gút!
Ngoài những “thủ phạm” điển hình như các loại thịt đỏ, hải sản, bia rượu… Chuyên gia dinh dưỡng Jaclyn Reutens, đồng thời là người sáng lập Trung tâm tư vấn dinh dưỡng và thể thao Aptima, nhận định glutamate (một loại axit amin) có trong trà sữa trân châu khi được tiêu hóa sẽ hình thành purine, sau đó bị phá vỡ, trở thành axit uric.
Bên cạnh glutamate, hàm lượng đường fructose có trong trân châu, đường, siro, mật ong, và hương liệu trái cây cũng làm tăng nồng độ purine trong cơ thể.
Bà Reutens lấy ví dụ: “Một ly trà trân châu có size M hoặc L chứa từ 15g đến 42g đường sucrose, trong đó có tới 7,5g đến 21g đường fructose”.
Để dễ hình dung, bà Reutens kể về trường hợp một tín đồ trà sữa 18 tuổi ở Quảng Đông (Trung Quốc). Chuyên gia dinh dưỡng cho biết nồng độ axit uric trong cơ thể cao đến mức ngón tay, bàn chân và nhiều bộ phận khác của bệnh nhân này gần như "hóa đá".
Bệnh nhân không thể đi lại hay dùng tay do những cơn đau và tình trạng viêm khớp nghiêm trọng. Thật khó tin khi bác sĩ đưa ra kết luận tình trạng này có thể đã bắt nguồn chỉ từ thói quen uống ít nhất 1 ly trà sữa mỗi ngày của bệnh nhân.
Nên uống nhiều nước sau khi dùng trà sữa
Song theo bác sĩ Seah: “Do cơ địa khác nhau nên tác động của thực phẩm lên cơ thể mỗi người cũng khác nhau. Do đó, đối với mỗi người, nguy cơ mắc bệnh gút từ thói quen uống 1 ly trà sữa mỗi ngày cũng sẽ khác nhau”.
Chuyên gia dinh dưỡng Reutens cũng khuyến cáo: "Nguy cơ này cũng có thể giảm nhờ vào thói quen uống nước đầy đủ. Nước có tác dụng làm loãng các tinh thể axit uric, giúp việc đào thải dễ dàng hơn. Bạn nên uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày. Và hãy uống thêm 2 cốc nước sau khi nhâm nhi 1 ly trà sữa”.
Ngoài ra, để giảm lượng purine tiêu thụ, bà Reutens gợi ý: “Bạn có thể thử uống trà sữa không đường hoặc gọi ít trân châu hơn để bảo vệ sức khoẻ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận