Dù là ham thịt bò nghiền ở Malaysia, hay những du khách Australia say mèm chơi phóng tiêu trong quán nhậu, kể cả covid-19 cũng không thể ngăn cản con người ta kinh doanh.
Dù các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ đang đối mặt với thách thức lớn chưa từng có do virus quái ác gây ra, họ vẫn thích nghi bằng mô hình kinh doanh khác, và quay đầu về những điều lạc quan.
Khi đại dịch vẫn lan ra khắp thế giới, các nhà kinh tế đang cảnh báo rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là một thực tế đáng lo ngại tại Châu Á, nơi 90% doanh nghiệp thuộc dạng này, sử dụng một nửa tổng số lao động.
May thay, những chủ doanh nghiệp của Châu Á cũng “không phải dạng vừa”, nếu không muốn nói rất khó lòng để thuyết phục họ từ bỏ, kể cả khi đứng trước cuộc Đại khủng hoảng thứ hai.
Sau đây là năm trường hợp cho thấy các ông chủ bà chủ Châu Á đang thích nghi với thời cuộc và tự khẳng định bản thân.
Ông chủ quán café ở Hong Kong
Từ pha chế tới bán máy pha espresso, cuộc sống của Wong Yat-chun, 29 tuổi, luôn xoay quanh cà phê. Bốn năm trước, anh đón lấy cơ hội để mở hiệu cà phê đầu tiên của mình tại Hong Kong, với số vốn 1 triệu đôla HK.
“Tôi luôn ao ước mở quán của riêng mình, do đó tôi đổ hết toàn bộ tiền vào đó.” Từ đó, Why 50 của Wong luôn chào đón khách yêu cà phê từ khắp thế giới tới và thưởng thức, cho tới covid-19.
“Mọi thứ thay đổi hết. Người HK biết rằng ra ngoài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus, nên họ đều ở nhà và tránh xa chỗ đông người.”
Dù có dấu hiệu tình hình đã dần ổn định, Hong Kong vẫn tiếp tục các quy định giãn cách xã hội, bao gồm đóng cửa quán bar, gym, salon làm đẹp, tiệm massage và karaoke tới tháng Năm. Dù vẫn mở cửa, doanh thu của Why 50 giảm 50%, xuống còn 4000 đôla HK/ngày.
“Khi họ biểu tình, dù phe nào, người ta vẫn đến ăn và uống nước, nên buôn bán vẫn đều đặn.”
Thích nghi với tình hình, Wong bắt đầu giao hàng qua ứng dụng di động, và sắp tới bán cả hạt cà phê khi nhu cầu này tăng - vì nhiều người đang ở nhà.
Anh cũng xắn tay áo bán cà phê thay cho nhân viên để cắt giảm chi phí nhân viên thời vụ, kể cả khi anh nhận được hỗ trợ từ gói kích cầu 137,5 tỉ đôla HK. Biết sao được?
Tổ chức sự kiện tại Singapore
Ngành tổ chức sự kiện chưa bao giờ dễ dàng, và dành cho những ai dễ dãi. Nay có thêm tham số đại dịch vào bức tranh, khó khăn chỉ càng gia tăng.
Tập đoàn triệu đô S-Lite Group, nhà tổ chức sự kiện đua xe công thức 1 và năm nay là hội chợ Ramadan của Singapore, hơn ai hết hiểu rõ điều này.
Mỗi sự kiện cũng là mỗi lần S-Lite Group tìm cách thích nghi với các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay. Ban đầu sự kiện quy mô dưới 250 người được chấp nhận, sau đó giảm xuống chỉ còn 10 và giờ còn… 0 – cả đất nước Singapore đang trong tình trạng khần cấp.
Giám đốc Marc Lim cho biết, “Cũng giống như đang trong một mê cung vậy. Chúng tôi biết nơi mình muốn tới, nhưng tình huống này, con đường này sẽ dẫn tới ngõ cụt, do đó chúng tôi phải lèo lái, thương thuyết, rồi cũng lao tiếp vào… ngõ cụt.”
Những sự kiện thể thao quy mô lớn như Sundown Marathon, Grand Prix F1 chiếm tới 70% doanh thu của S-Lite, nhưng những năm gần đây công ty cũng chuyển sang các sự kiện cộng đồng, trang trí lễ hội, và MICE. Với covid-19, doanh thu của S-Lite đi tong… 90%, nặng nề nhất chính là hội chợ Ramadan thường niên bị hủy, cùng với 800 gian hàng và toàn bộ hệ thống ánh sáng, lều láng.
S-Lite bắt đầu chuyển sang online để duy trì hội chợ, chẳng hạn hợp tác với nền tảng B. Halal nhằm hỗ trợ các gian hàng tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn trực tuyến.
“Đây là một bài học quý báu cho chúng tôi trong ngành sự kiện: Không có gì là mãi mãi, và luôn phải có kế hoạch B,” Lim khẳng định.
Cửa hàng burger Malaysia
Bước vào tuần thứ 6 phong tỏa, trong đó cấm ăn uống tại nhà hàng, tình trạng này đang ảnh hưởng trầm trọng đến lợi nhuận của các cơ sở kinh doanh “nhà trồng” như myBurgerLab.
8 năm hoạt động, chuỗi burger 6 nhà hàng lấy cảm hứng từ Mỹ nổi tiếng bởi món ham thịt bò nghiền và trứng muối, ớt hiểm và lá cà ry, với 70 nhân viên chính thức và 200 thời vụ, đang lao đao.
Các cấp quản lý của myBurgerLab buộc phải cắt giảm 10-25% lương như một biện pháp “phòng hờ”, cố gắng để hòa vốn kinh doanh khi chuyển hoàn toàn sang hình thức đặt hàng online và giao hàng.
Nhà sáng lập Chin Ren Yi và hai người bạn Cheah Chang Ming va Teoh Wee Kiat cho rằng các thách thức đến theo từng đợt. “Hai tuần đầu, chúng tôi quá tải. Nhờ các ứng dụng đặt thức ăn và các branding trực tuyến, khách hàng vẫn vui vẻ ủng hộ chúng tôi và đều đặn đặt hàng. Nhưng khi đó lại không đủ nhân viên, và mọi người đều sợ.”
Khi chính phủ Malaysia thắt chặt lệnh phong tỏa hồi tháng Tư để hạn chế đi lại và đóng cửa từ 8 giờ tối mọi cơ sở kinh doanh, thách thức gia tăng. Đơn hàng cuối cùng phải kết thúc lúc 7 giờ tối, “tức, chúng tôi mất một lượng lớn khách đặt dùng bữa tối, và không thể hòa vốn.” Mỗi ngày myBurgerLab thất thu khoảng 700 đôla.
Thế là cửa hàng bắt đầu xoay trở, chẳng hạn bán thêm sản phẩm ăn sáng, như sandwich, pancake, và hộp thức ăn mang về để khách tự làm burger tại nhà. Sáng tạo hơn, “chúng tôi sử dụng trò chơi đang hot Animal Crossing để quảng bá sản phẩm, khuyến khích fan xây dựng các phiên bản thương hiệu myBurger trong môi trường ảo của game.”
Ngoài ra, myBurgerLab còn nộp đơn xin hỗ trợ từ chính phủ, dù “sẽ lâu, vì cần tới luật sư!” Dự kiến số tiền này sẽ chi trả 50% chi phí nhân viên chính thức.
Malaysia sẽ còn phong tỏa tới 12 tháng Năm, hoặc lâu hơn trong tháng chay Ramadan và lễ Eid cuối tháng Năm.
Lẩu Thái Shabu-Shabu mang đi.
Khi chính phủ Thái Lan yêu cầu các nhà hàng đóng cửa từ cuối tháng Ba, Thanapan Vongchinsri, chủ nhà hàng buffet Penguin Eat Shabu, buộc phải có biện pháp đối phó.
Đóng cửa hai trong số chín chi nhánh, Thanapan đề nghị nhân viên nghỉ việc và cấu trúc một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
Chỉ giữ lại 6 nhân viên quản lý, Thanapan chuẩn bị một menu để mang đi – take-away – với giá 15 đôla Mỹ. Món ăn khoái khẩu tại Thái Lan dù xuất phát từ Nhật, bao gồm thịt tươi, nước lẩu và sốt – nay đã dễ dàng đóng gói và giao tới khách hàng nấu nướng tại nhà.
“Các cửa hàng nay trở thành nhà máy thực phẩm chuẩn bị các phần shabu-shabu đem đi. Tôi cũng lái xe giao hàng,” Thanapan cho biết.
Sau một tuần, doanh thu mới bắt đầu xuất hiện, theo cùng những dịch vụ như miễn phí nồi điện. Dù đang sống còn trong một dòng tiền tối thiểu, ít nhất cơ sở kinh doanh của Thanapan vẫn đang hoạt động đều đặn. Vấn đề chỉ là trong bao lâu, khi chính sách cho vay chỉ có lãi suất thấp trong hai năm đầu, và phải hoàn vốn trong vòng 5 năm…
Quán bar biến thành...
I Darts Zen chưa bao giờ là một nơi yên tĩnh. Tọa lạc tại Sydney, nơi đây từng có lúc bị chế tài khi chính phủ Úc cách đây 5 năm tấn công vào các vụ bạo lực do rượu gây ra. Eddy Lee, chủ quán, vẫn đang kỳ vọng vào tương lai tươi sáng, tiệc tùng hoành tráng, thì tới tháng Ba, lệnh giãn cách xã hội ban hành, bởi covid-19. Mọi quán xá, nhà hàng phải đóng cửa, đó là bắt buộc.
“Nếu đóng cửa 6 tới 8 tháng, đó sẽ là thảm họa,” Eddy Lee thành thật. Hiện tại, ba nhà hàng, một quán trà sữa và một tiệm rau quả đang chia sẻ không gian tầng hầm của I Darts Zen, tất cả đều có dịch vụ mang đi, và củng đang “chạy nạn” khỏi khu trung tâm đắt đỏ.
Nhà bếp của quán hiện chỉ cung cấp đồ mang đi, do các nhân viên sử dụng xe đạp thực hiện.
Cách bố trí này đồng nghĩa 30% thâm hụt về doanh thu, thay vì 75% như trước đây. Lee vẫn duy trì được 15 nhân viên toàn thời gian, bán thời gian và thời vụ, chỉ với đôi chút khó khăn, và cũng chỉ sau khi nhận được 10.000 đôla Úc hỗ trợ từ chính quyền thành phố Sydney.
Lúc này, Lee hy vọng có thể mở rộng đối tượng khách hàng ra ngoài nhóm sinh viên và trẻ tuổi, bằng các sản phẩm bia tươi và menu thức ăn “công sở” hơn để thu hút nhiều đối tượng hơn nữa.
“Rốt cuộc chúng ta phải tìm thấy cơ hội và tiếp tục tiến về phía trước. Chẳng ai biết điều gì đang đợi ta.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận