Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người lo sợ không đủ thức ăn nên mua nhiều thực phẩm để trữ trong nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm tích trữ nhiều và lâu ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo lời chia sẻ của TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được trích dẫn trên website của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM, mọi loại protein có trong thịt, cá, trứng, sữa,.. đều sản sinh ra những độc chất có hại, tạo mùi hôi thối như nitrit, amoniac... khi bị vi sinh phân hủy. Chúng ta có thể bị ngộ độc cấp tính và sức khỏe bị ảnh hưởng xấu nếu hấp thụ hàm lượng nitrit vượt ngưỡng cho phép liên tục lâu dài. Do đó, thật không an toàn cho việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong thời gian dài, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng.
Trên NDTV của Ấn Độ, chuyên gia dinh dưỡng Nmami Agarwal cho biết thức ăn được đựng trong những hộp đựng thức ăn bằng nhựa, túi nhựa và túi zip trong một thời gian lâu dài có thể bị mất chất dinh dưỡng.
Trữ thực phẩm trong tủ lạnh có là cách tốt?
Chuyên gia Mỹ - Kristin Koskinen chia sẻ trên Huffpost: Chúng ta đừng nên nghĩ rằng tủ lạnh sẽ giúp dự trữ đồ ăn an toàn nhất. Tủ lạnh đơn giản chỉ làm chậm quá trình sản sinh vi khuẩn trong thực phẩm. Nó không hoàn toàn ngăn chặn hẳn thực phẩm không bị nhiễm vi khuẩn khi được cất giữ trong nó. Chính vì vậy, chúng ta có thể bị ngộ độc sau khi ăn thực phẩm được cất giữ trong tủ lạnh quá lâu.
![](https://cdn.tuoitre.vn/ttc/r/2021/07/24/plastic-containers-1627077569.jpg)
Cách trữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng
Quan trọng nhất là chúng ta biết cách bảo quản thực phẩm làm sao khi ăn vào vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Phụ thuộc vào từng loại thực phẩm, chúng ta cần phải biết cách bảo quản cho đúng để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Theo Healthlink British Columbia, nhiệt độ tủ lạnh nên để ở hoặc dưới 4°C và nhiệt độ của ngăn đông nên dưới -18°C. Đừng để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì như vậy có thể ngăn chặn không khí mát trong tủ lưu thông và không giữ được thực phẩm an toàn khi dùng.
Thịt gia cầm, thịt heo, cá, sò, ốc nên sớm đông lạnh sau khi mua về. Thời gian tốt nhất không nên để sau 2 giờ mới để vào tủ lạnh. Đừng để thịt, cá tươi hay thịt băm trong ngăn mát của tủ lạnh quá 2 ngày. Thịt bò, thịt bê, thịt cừu, hoặc thịt heo tươi không nên được để trong ngăn mát của tủ lạnh quá 3 ngày. Hãy nấu hoặc đông lạnh chúng.
Bảo quản thực phẩm bằng hút chân không có an toàn?
Theo Bệnh viện Vinmec, mặc dù hiện nay nhiều người ưa chuộng phương pháp bảo quản thực phẩm bằng máy hút chân không nhưng chúng ta cần biết còn có một số loại vi khuẩn yếm khí có sẵn trong thực phẩm. Chúng vẫn có thể sinh sống cho dù có không khí hay không. Vì vậy, phương pháp này cũng không thể ngăn cản quá trình hư hỏng của thực phẩm mà chỉ hạn chế được phần nào đó.
Xử lý thức ăn thừa
Đối với thức ăn thừa lại trong ngày, chúng ta nên chia thành nhiều phần nhỏ và bỏ vào chén để trong tủ lạnh và không nên để quá 2 ngày. Không nên để thức ăn đã nấu hoặc chế biến sẵn dưới thực phẩm sống trong tủ lạnh.
Thông thường chúng ta có thói quen hâm nóng lại thức ăn thừa sau khi lấy trong tủ lạnh ra. Tuy nhiên, theo The Healthsite, những thực phẩm dưới đây không nên hâm nóng
- Trứng: Trứng cung cấp nhiều protein cho cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta không nên hâm nóng lại trứng luộc hay trứng chưng vì nhiệt có thể tạo nên chất độc trong chúng và gây ngộ độc sau khi ăn vào.
- Khoai tây: Dinh dưỡng trong khoai tây bị phá hủy nếu được nấu quá chín và có thể làm chúng ta cảm thấy buồn nôn hoặc thậm chí ngộ độc khi dùng khoai tây được hâm nóng một lần nữa.
- Thịt gà: Đừng bao giờ hâm nóng lại món thịt gà vì protein trong gà sẽ bị mất đi và có thể làm chúng ta đầy hơi hoặc chướng bụng sau khi ăn.
- Nấm: Nấm được sử dụng nhiều bởi người ăn chay. Khi chúng ta hâm nóng lại món nấm đã nấu chín thì nấm sẽ mất chất dinh dưỡng và khiến nó trở nên độc hại. Theo các chuyên gia, ăn nấm hâm nóng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận