Josua Hutagalung, 33 tuổi, làm nghề đóng quan tài người Indonesia. Bao nhiêu năm làm việc tận tụy, quan tài la liệt khắp nơi trong nhà, nhưng tiền thì không bao giờ đầy ví. Josua rất buồn chán về công việc của mình, luôn than thở số kiếp không may mắn và cầu mong một ngày ra đường đá phải cục tiền.
Không biết liệu có phải lời cầu mong của anh ta đã được “đấng trên” nghe thấy hay không, mà cách đây ít ngày Josua Hutagalung bỗng trở thành triệu phú theo cách bất ngờ nhất.
Khi Josua Hutagalung đang ngồi đóng một chiếc quan tài tại nhà của mình ở Kolang (Sumatra, Indonesia) thì một tiếng “rầm” khiến anh giật mình làm rơi cả chiếc búa trên tay. Josua chạy đi kiểm tra thì phát hiện một tảng đá từ đâu rơi xuyên qua mái tôn bên hiên phòng khách và vùi sâu xuống lớp đất bên cạnh nhà anh.
Tiếng nổ lớn tới nỗi làm rung chuyển cả nhà, thu hút cả mấy bà hàng xóm sợ hãi động đất chạy sang xem. Viên đá nặng 2,1kg vẫn còn ấm và vỡ một mảng nhỏ khi Josua đào lên.
Josua biết không người nào đủ sức mạnh để ném viên đá to như thế xuyên mái nhà của anh nên đã báo chính quyền và đem đi giám định sau khi tin rằng đó là một “vật thể từ bầu trời”.
Và quả thật, đó là một thiên thạch Chondrite cacbon CM1 / 2 - một loại cực kỳ hiếm - ước tính 4,5 tỉ năm tuổi. Nó được định giá khoảng 1,85 triệu USD, tương đương 857 USD mỗi gam.
Ngay lập tức, thông tin về “đá quý” đến tai những tay săn thiên thạch khắp thế giới. Nhiều người nhanh chóng tìm mọi cách đến nhà Josua để thương lượng mua hàng. Josua được nhà sưu tập thiên thạch người Mỹ Jay Piatek Viện Hành tinh và Mặt trăng ở Texas, Mỹ trả khoảng 1,5 triệu USD cho viên đá trời cho này, bằng với thu nhập 30 năm của anh.
Người cha của 3 đứa con trai cho biết anh sẽ trích một khoản tiền để xây dựng một nhà thờ trong làng của mình. Anh cũng cho biết mình luôn mong một cô con gái và hy vọng đây là điềm báo cho giấc mơ ấy.
3 mảnh vỡ khác của thiên thạch cũng đã được tìm thấy trên cánh đồng lúa cách nhà của Josua chưa đầy 3 km.
Người đứng đầu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Indonesia (Lapan), Thomas Djamaluddin, cho biết việc thiên thạch rơi trong khu dân cư là hiện tượng hiếm gặp.
Lượng đá thải từ quá trình hình thành hệ mặt trời rất lớn trong không gian. Hầu hết các thiên thạch rơi ở các vị trí xa các khu dân cư, chẳng hạn như đại dương, rừng hoặc sa mạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận