Tôi sinh ra đời cầm tinh con heo nên tất cả những gì có liên hệ đến từ “heo” đều được tôi đặc biệt chú ý. Với cả niềm tự hào, tôi cho rằng con heo là gia súc cao quý nhất cần phải được biểu dương. Vừa qua, cụm từ “giải cứu thịt heo” được báo chí truyền thông và các cơ quan hữu quan nhắc đi nhắc lại quá nhiều nên tôi càng chú ý đến lão Trư nhiều hơn.
Ngày xưa trong nền kinh tế tự sản tự tiêu, sự thiếu thốn hoặc sự dư thừa có nhiều khi xảy ra nhưng ông bà ta không phải giải cứu cái gì cả. Vượt qua giai đoạn kinh tế bao cấp, đất nước tiến lên thời kinh tế thị trường với cung cách làm ăn mới nên sản phẩm, hàng hóa phát triển phong phú. Đáng lẽ các bộ ngành hữu quan và các địa phương phải tích cực phát huy tính kế hoạch để can thiệp vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ, giữ cho cung cầu bình ổn. Tiếc thay, họ hình như đã... ngó lơ nhiều thứ khiến bài ca “Được giá mất mùa, được mùa mất giá” năm nào cũng nghe hát hoài. Bài ca đó là tiền thân của bài “Giải cứu thịt heo” mà chúng ta đang nghe.
Con heo được đến năm nơi quản lý. Ông nông nghiệp hướng dẫn nuôi giống gì, nuôi bao nhiêu con, chăm sóc làm sao... Ông công thương chỉ dạy cái nào để ăn, cái nào bán ra nước ngoài, kiểm soát chất cấm... Ông y tế kiểm soát xem thịt ấy lên bàn ăn ra sao, có ăn được không... Ông tài nguyên môi trường hướng dẫn xử lý chất thải do các lão Trư, mụ Trư tè ị... Ông địa phương quản lý chung con số chăn nuôi; hễ phát triển nóng quá thì làm cho mát lại, hễ phát triển lạnh quá thì làm cho ấm lên...
Ấy vậy nhưng đàn heo phát triển lộn xộn; Danois, Durock, Yorkshire phối tù lu cũng được; ai ưng nuôi bao nhiêu thì nuôi. Thương lái Trung Quốc vào tận chuồng heo “đặt hàng” mua heo rồi hổng mua. Đường xuất khẩu tiểu ngạch bị ngăn chặn, nhiều lão Trư phải “hy sanh” dài dài ở biên giới. Heo sản xuất ra có con bị cho ăn chất cấm, chất tạo nạc, dùng kháng sinh nhiều hơn cả người ho lao. Thịt heo bán ngoài chợ và lên bàn ăn có khi là heo bẩn, heo bệnh, heo chết. Chỗ nuôi heo và chỗ làm heo thúi hoắc, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Địa phương không nắm vững số lượng heo trong địa bàn mình, đến lúc giựt mình nhìn lại nơi đâu cũng thấy heo...
Bây giờ, ta cùng hô lên “giải cứu thịt heo” thì chẳng biết cách hữu hiệu nhất là phải làm sao. Bán ra nước ngoài thì người ta hổng chịu mua. Tiêu thụ trong nước thì dân ta ăn cũng chỉ cầm chừng; nhiều lắm mỗi người ăn một tuần 200 gram thịt đã thấy ớn. Động viên các bếp ăn tập thể nên ăn thịt heo nhưng ngày nào cũng thịt heo thì quá ngán. Giá heo hơi sụt dưới 20.000 đồng/ký nhưng giá thịt ngoài chợ vẫn không giảm đi bao nhiêu. Làm ra các phụ phẩm như chả, nem, lạp xưởng thì cũng ăn không hết. Đem trữ đông cấp để... năm tới ăn dần thì được nhiều nhưng thói quen tiêu dùng là chỉ thích mua thịt tươi.
Lại phải xác định hai chữ “giải cứu”. Dư luận đã cảnh báo về cách mua heo thất thường của thương lái Trung Quốc nhưng người nuôi vẫn bất chấp, cắm cúi nuôi heo là cái làm sao? Một số người làm ăn không ngay ngắn; mua chất kích thích, tạo nạc cho heo ăn, tự làm mất uy tín cho nghề nghiệp của mình. Thương lái mổ heo bơm nước làm cho thịt tăng trọng để ăn gian người mua. Người làm kế hoạch buông lỏng quản lý để đàn heo tăng phát sợ. Lẽ nào người tiêu dùng phải “giải cứu” giúp kiểu làm ăn không ngay ngắn, thiếu trách nhiệm đó tồn tại và phát triển?
Chúng ta chia sẻ với sự thua lỗ của bà con chăn nuôi heo, chia sẻ với thiện ý giải cứu thịt heo của các bộ ngành và địa phương nhưng nói thật cách làm ăn thiếu tổ chức như thế này là không được. Phải tự giải cứu cái đầu làm kinh tế của mình trước đã, để khỏi phải nghe chuyện giải cứu dưa hấu, giải cứu thịt heo. Nghĩa là đừng để xảy ra khủng hoảng thừa rồi mới kêu gọi giải cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận