Nổi tiếng, “mồi ngon” của trầm cảm?
Liệu có dính líu gì giữa sự nổi tiếng với trầm cảm - tự sát? Không phải vô lý, khi số những con người có tiếng tăm tìm đến sự giải thoát bản thân không phải là ít. Thật ra, về lý, trầm cảm - tự sát, tuy có một số đặc cách, chẳng hạn nữ gấp 3 lần nam, nhưng không ưu tiên nào dành cho sự nổi tiếng. Tuy vậy, người thuộc giới này cũng có đôi ba yếu tố sát thương, như “giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, hay mới hơn với antifan, body shaming... Nhắc lại, kẻo có ai đó “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” thì khỏi lo trầm cảm - tự sát.
Hướng nội là “động cơ đẩy” của trầm cảm
Nhiều người nổi tiếng từng có những hoạt động xã hội sôi nổi trước khi chọn kết cục buồn, lại xới lên một câu hỏi khác “ liệu có phải trầm cảm - tự sát hay tìm đến những người hướng nội hơn người hướng ngoại không?" .Trầm cảm ma mãnh từng chút kéo giật nạn nhân lui sâu vào chiếc “boong- ke” cá nhân, đóng tất cả các cửa với bên ngoài, để rồi như con mồi bị quây lại, mặc tình cho chúng “cắt tiết” mà không ai hay để cứu. Tốc độ giật lùi này của người hướng vào trong hẳn sẽ nhanh hơn người hướng ra ngoài.
Lần nào cũng vậy, sau sự việc không hay, thì những câu hỏi “Làm sao nhận biết mình trầm cảm?” , “Cách nào để ngăn trầm cảm dẫn đến tự sát”, lại được xới lên. Một bài học cũ, học đến nằm lòng, nhưng người “thi trượt” vẫn tiếp diễn?
Đối tượng dễ mắc trầm cảm?
Khó kể đủ nhưng những ngòi nổ khả dĩ hơn cả là sang chấn về tinh thần (mất người thân, mất tài sản, mất sự nghiệp, bất hòa kéo dài ...). Người đi học bài vở nặng nề. Người già khổ sở bệnh tật, bị con cháu hắt hủi. Người mắc rối loạn khí sắc lưỡng cực, bệnh tâm thần phân liệt, phụ nữ sau sinh...
Yếu tố nguy cơ trầm cảm dẫn đến tự sát
Đột ngột nghĩ đến cái chết. Đã từng tự sát. Có sử dụng chất gây nghiện. Có tiền sử gia đình tự sát hay mắc bệnh tâm thần. Biến cố lên tới đỉnh điểm. Người phạm tội bị tống giam. Nơi ở có nhiều dụng cụ hỗ trợ tự sát ...
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự sát
Theo Tổ chức Ngăn ngừa Tự sát Quốc gia Hoa Kỳ, các dấu hiệu cảnh báo trầm cảm dẫn đến tự sát gồm:
Tâm trạng thay đổi thất thường. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều. Luôn nói về ý định muốn chết, về bản thân là gánh nặng, về vô vọng không còn lý do tồn tại, về bế tắc không chịu đựng được. Lo lắng thái quá, kích động, cư xử liều lĩnh, giận dữ, trả thù. Có khuynh hướng tìm đến rượu bia và ma túy. Sau cùng là dấu hiệu bắt tay vào việc tự sát (tìm kiếm từ khóa tự sát, chuẩn bị vũ khí, phương tiện ...).
Cách ngăn ngừa tự sát do trầm cảm: Dành cho người thân, người có liên quan
-Là người thân nên chuyện trò nhiều hơn và có "ý đồ" hơn với người bệnh. Có thế mới “trục” được ý định tự sát, thứ chắc chắn được người bệnh giấu kín như bưng. Ngây thơ nếu nghĩ chỉ qua vài câu han hỏi, đãi bôi, là người bệnh ôm chầm khóc kể mọi thứ.
-Đề nghị người bệnh thỏa sức làm điều họ thích, ưu tiên các hoạt động tích cực (viết nhật ký, đi du lịch, chụp ảnh thiên nhiên...).
-Quan sát khéo “hung khí”, đôi khi cần con mắt thám tử. Đơn cử, phụ nữ không cạo râu nhưng tồn trữ quá nhiều dao lam... Trên người có vết trầy xướt, tổn thương, tại những vị trí như cổ tay, mạch máu lớn...
-Cử người nắm rõ bệnh sinh (công việc, tiền bạc, tình cảm, mối quan hệ...) giúp người bệnh giải quyết. Tiền bạc mới giúp được tiền bạc, khó nghe, nhưng lắm khi là kế duy nhất gỡ bí.
-Chọn người đồng cảm, từng trải qua biến cố tương tự, để đóng vai phá băng. Một ông “năm thê bảy thiếp” khó mà nói lọt tai người bệnh trầm cảm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nói vậy, nhưng cần tránh “giao trứng cho ác”. Người đang trầm cảm mà được một nhà “thuyết giáo” mặt mày ủ dột, mở miệng là sanh lão bệnh tử, đời vô thường... coi chừng thúc người nghĩ quẩn nhanh hơn.
Cả khi thất bại với vai trò khai phóng, mở lối thoát, thì việc ai đó luôn ở bên người bệnh, cũng có thể giúp được khối việc và đòi hỏi không để người bệnh lọt khỏi tầm mắt.
Trợ giúp chuyên môn là điều không thể thiếu
Bệnh nhân trầm cảm nên được điều trị sớm với bác sĩ tâm lý, tâm thần. Trầm cảm có thuốc chữa chứ không phải là “bệnh nan y”. Nếu trầm cảm xuất phát từ bệnh lý, hoặc người bệnh mắc bệnh lý nào đó, thì các bác sĩ ngành sẽ tham gia.
Một việc khó, kiểu “mấy ông say hay sửng cồ lên với người bảo mình say”, người trầm cảm nặng rất khó nhận ra mình cần giúp đỡ, và cũng thường "nhảy dựng" lên khi được gợi ý xin cái hẹn với bác sĩ. Trầm cảm – tự sát là bệnh “góp gió thành bão” điển hình, càng để lâu càng vô phương cứu chữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận