Lẩu Thập Cẩm

Trái khoáy từ cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa Bình

VŨ NGUYỄN

Đăng lúc 15:52 | 10/10/2024

Việc tổ chức Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế (Miss Grand International) hủy quyền đăng cai của Campuchia lúc cuộc thi đang diễn ra, đã tạo nên vô vàn tranh cãi.

Những ngày qua, cộng đồng fan sắc đẹp thế giới vẫn không tin được việc một quốc gia bị hủy quyền đăng cai cuộc thi hoa hậu ngay khi đang diễn ra, cụ thể là Campuchia. Điều khiến dư luận cảm thấy hài hước, là khi cuộc thi này được biết đến với tên gọi Hoa hậu Hòa Bình, thế nhưng, cuộc thi lại không ít lần gây bất bình cho dư luận lẫn người trong cuộc.

Những bất bình từ cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình

Vào năm 2019, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2018 Clara Sosa dù mới đăng quang chưa lâu, nhưng đã dính "phốt" phát ngôn khi phản đối người chuyển giới tham gia những cuộc thi sắc đẹp chính thống. Thời điểm đó, dù không "chỉ mặt gọi tên" nhưng ai nấy đều dễ dàng đoán được đối tượng cô ám chỉ là người đẹp chuyển giới Angela Ponce, đại diện Tây Ban Nha tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2018.

Trước đó, Clara cũng vạ miệng khi dính vào ồn ào "chảnh chọe" khi được fan khen ngợi xinh đẹp hơn Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh. Lúc bấy giờ "nữ hoàng nhan sắc" Paraguay nhướng mày rồi quay sang cười đểu cùng bạn bè mình. Chi tiết này trở thành đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội, nhiều người hâm mộ Việt đã thẳng tay "ném đá" cô.

Cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa Bình nhưng lại luôn gây bất bình - Ảnh 1.

Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2018 Clara Sosa - ẢNH: Fanpage Miss Grand International

Cách đây 2 năm, tài khoản Instagram của Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế (MIG) bị mất hơn 2 triệu lượt theo dõi, sau đêm đăng quang của người đẹp Isabella Menin (người Brazil). Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về đại diện Thái Lan (á hậu 1), Indonesia (á hậu 2), Venezuela (á hậu 3) và Cộng hòa Czech (á hậu 4).

Giải á hậu 5 được trao cho 5 cô gái còn lại của top 10 gồm đại diện của Campuchia, Mauritius, Puerto Rico, Tây Ban Nha và Colombia.

Kết quả này đã gây ra một "vụ nổ" truyền thông, khi cuộc thi trở thành chủ đề bàn tán rôm rả nhất thời điểm đó trên mạng xã hội. Nhiều người không khỏi bất bình trước cách làm lẫn phát ngôn của vị chủ tịch cuộc thi, ông Nawat.

Bởi trước đó, ban tổ chức mở ra nhiều cuộc bình chọn để trao các giải như Thí sinh trình diễn áo tắm, trình diễn trang phục dân tộc, Country's power of the year, Miss Popular vote. Điều này đến từ tham vọng đẩy lượng theo dõi các tài khoản mạng xã hội của cuộc thi lên cao hơn, nhằm củng cố vị thế của một đấu trường nhan sắc còn non trẻ, chỉ mới qua hơn 10 lần tổ chức.

Cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa Bình nhưng lại luôn gây bất bình - Ảnh 2.

Đoàn Thiên Ân và Engfa Waraha liên tục được so sánh để tạo "hiệu ứng truyền thông" khi cuộc thi diễn ra.

Các đại diện đến từ những đất nước có lượng fan nhan sắc hùng hậu như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam hay Philippines... luôn chễm chệ các thứ hạng đầu trên bảng tổng sắp bình chọn.

Tài khoản Instagram MIG có thời điểm đã lên đến 6,5 triệu lượt theo dõi. Nhưng sau đêm chung kết nói trên, chỉ còn 4,3 triệu lượt theo dõi. Theo chủ tịch cuộc thi, ông Nawat khẳng định những tài khoản bỏ theo dõi đa phần đến từ Việt Nam, khi các fan nhan sắc năm đó đã dành tình cảm quá lớn cho thí sinh Đoàn Thiên Ân, họ cảm thấy hụt hẫng khi cô chỉ lọt top 20 chung cuộc.

Thế nhưng, những drama đến từ Hoa hậu Hòa bình phải dài thành chuỗi, bởi vị chủ tịch luôn được nhận định lắm chiêu nhiều trò. Ông từng cấm các người đẹp từng giành danh hiệu ở cuộc thi của mình tham gia vào các sân chơi nhan sắc khác. Một nàng hậu từng bị ông thẳng tay tước vương miện khi quyết định dự thi Miss Universe Australia 2019, để tìm kiếm cơ hội đến Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, là Claire Elizabeth Paker, Hoa hậu Hòa bình 2015.

Ông Nawat còn cấm những thí sinh từng tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan đặt chân đến Miss Grand Thailand 2023. Địa phương nào "vi phạm" sẽ bị rút giấy phép. Thậm chí, những yêu cầu một nữ hoàng nhan sắc phải "biết hát", "biết bán hàng online"... khiến không ít người phải cạn lời một thời.

Cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa Bình nhưng lại luôn gây bất bình - Ảnh 3.

Thí sinh Thái Lan khóc bù lu bù loa trước truyền thông kể về những trải nghiệm tại Campuchia.

Và mới đây là truất quyền đăng cai của Campuchia, khi ông Nawat cho rằng phía tổ chức Miss Grand Cambodia đã không chuyên nghiệp trong lúc cuộc thi diễn ra ở nước này. Trong khi đó  thí sinh Miss Grand Thái Lan khóc bù lu bù loa với phóng viên, kể về việc được thết đãi trứng cút lộn ở nước bạn.

Phản pháo lại vấn đề này, Miss Grand Cambodia (đã bỏ thi) khẳng định trứng cút lộn được bán đầy đường phố Thái Lan, chẳng khác gì một món ăn vặt. Người đẹp cà khịa rằng món ăn này nhiều chất dinh dưỡng và Miss Grand Thailand cần ăn nhiều hơn để... thông minh?!

Đúng là "pó tay" với cuộc thi hoa hậu... đầy bất bình này!

Cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa Bình nhưng lại luôn gây bất bình - Ảnh 2.Ảnh vui 10-10: Đâu phải lúc nào cũng có dịp 'phông bạt' Cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa Bình nhưng lại luôn gây bất bình - Ảnh 3.'Múc sạch' tiền từ thiện để đi phẫu thuật thẩm mỹ Cuộc thi mang tên Hoa hậu Hòa Bình nhưng lại luôn gây bất bình - Ảnh 4.Khách Tây mắc sai lầm khi nói với hướng dẫn viên 'tôi bị đau đầu'
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Lẩu thập cẩm