Trong nỗ lực tìm kiếm một con số chính xác về số lượng con kiến có mặt trên hành tinh xanh, một đội ngũ chuyên gia quốc tế do nhà sinh học Mark Wong (Đại học Tây Úc) dẫn đầu đã phân tích 465 báo cáo đo đạc ở nhiều địa phương nghiên cứu. Theo đó, họ phát hiện kiến tập trung đông đảo ở vùng nhiệt đới, song một số khu vực thậm chí không có dữ liệu, gồm Trung Phi và Châu Á.
Kiến sống ở khắp mọi nơi, trừ vùng cực.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Sabine Nooten và Patrick Schultheiss, hai nhà sinh học ở thành phố Würzburg (Đức), đã tính toán số lượng kiến dựa trên nhiều nghiên cứu sẵn có, và đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences hôm 19-9. "20 triệu tỉ con là số lượng kiến ước tính đang sinh sống trên toàn cầu", Nooten cho biết.
Dựa trên số lượng kiến, các nhà khoa học đưa ra thông tin sinh khối của chúng vào khoảng 12 triệu tấn carbon, vượt qua tổng sinh khối của động vật có vú và chim hoang dã. Đồng thời, con số này tương ứng với khoảng 20% sinh khối của con người.
Loài động vật này có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đối với sự sống trên Trái đất.
Việc nghiên cứu số lượng và sự phân bố của kiến rất quan trọng vì kiến được xem là "kỹ sư sinh thái" của Trái đất, đảm trách vai trò di chuyển đất, phân bổ hạt cũng như tái chế chất hữu cơ. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu được những ảnh hưởng của kiến đến môi trường hoặc ngược lại, đặc biệt trong trường hợp biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận