Một số nghiên cứu đã tìm thấy các mức độ thất vọng, giận dữ, căng thẳng, sợ hãi, lo lắng và những cảm xúc tiêu cực khác trong đại dịch COVID-19. Để đối phó với những cảm xúc tiêu cực ấy của mình, một số người đã tập thiền, tập yoga, sử dụng liệu pháp mùi hương và các phương pháp làm dịu khác,...
Tuy nhiên, phong trào Văn hóa Jawasastra (JCM) của một nhóm thanh thiếu niên ở Yogyakarta đã tìm ra một cách khác thường để giải tỏa những cảm xúc bị dồn nén: Tổ chức một cuộc thi chửi thề, nguyền rủa COVID-19 - kẻ thù số 1 của toàn cầu hiện nay.
Cuộc thi rất “độc” này đã chính thức khai mạc vào ngày 8-7 vừa qua, và sẽ kết thúc vào ngày 7-8-2020, với thông tin đầy đủ có sẵn trên trang web của Phong trào JCM.
"Cuộc thi chửi thề của chúng tôi nhằm giúp công chúng vượt qua nỗi thất vọng của họ, đặc biệt là những người phải ngừng các hoạt động vì đại dịch COVID-19." – cô Yani Srikandi, người đứng đầu JCM, nói với báo Jakarta Post hôm 8-7.
Theo Yani, điều mà những người tham gia cần làm là tạo một video dài 3 phút, trong đó thí sinh nguyền rủa đại dịch bằng tiếng Java, rồi tải nó lên mạng xã hội Instagram, kèm theo chú thích để giải thích những lời nguyền rủa ấy.
Là một ngôn ngữ Nam Đảo, tiếng Java là ngôn ngữ của người Java ở các miền Đông và Trung của đảo Java. Đây là tiếng mẹ đẻ của hơn 42% tổng dân số Indonesia.
"Đây là một cuộc thi 'quốc tế', vì đại dịch COVID-19 là một hiện tượng toàn cầu, và người Java ở bất cứ đâu trên thế giới đều được chào đón tham gia" - Yani nói.
"Tuy nhiên, người dự thi bị cấm đề cập tới những nội dung mang tính phân biệt chủng tộc, khiêu dâm, hoặc kỳ thị giới tính" - cô nhấn mạnh.
Yani giải thích rằng chửi thề là một... truyền thống văn hóa lâu đời trong nền văn minh Java, và không phải lúc nào nó cũng được sử dụng để thể hiện sự tức giận. Nguyền rủa, cô nói, cũng được sử dụng để thể hiện... niềm vui!
"Khi tôi tham gia các lớp triết học, tôi đã tìm thấy một bản thảo tiếng Java cổ có chứa những lời nguyền. Vì vậy, ngay cả các nhà thơ ở cung điện hoàng gia cũng biết cách chửi thề" - Yani bật mí.
Trước đây, vào năm 2018, Phong trào JCM đã từng tổ chức một sự kiện tương tự để chỉ trích tình trạng bất ổn xã hội lan rộng, do sự thúc đẩy từ các vấn đề chủng tộc và tính cách sắc tộc, tôn giáo ở Indonesia.
Phong trào JCM có trụ sở ở thành phố Yogyakarta - thủ phủ của vùng đặc biệt Yogyakarta trong Java. Yogyakarta là cố đô của Indonesia, cũng là một trung tâm nổi tiếng của nghệ thuật cổ điển Java và văn hóa Indonesia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận